“Bến không chồng” – Những lầm lạc thời hậu chiến

“Bến không chồng” lấy bối cảnh làng Đông – một làng quê với những cảnh sắc và phong tục đặc trưng miền Bắc Bộ. Ở đó, có mối hận thù truyền kiếp giữa dòng họ Nguyễn và họ Vũ, có những phận người rơi vào tận cùng khổ đau do những hủ tục, lạc hậu của một xã hội nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún.

Mặt trái của những tấm huân chương

Nguyễn Vạn – người lính Điện Biên trở về với dấu tích oanh liệt là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gẫy. Ngày ra đi Vạn mang lý tưởng cống hiến đời mình cho Tổ quốc.  Suốt những năm ở chiến trường, anh đã chiến đấu đầy dũng khí và chưa một lần phải hổ thẹn với lời thề ngày ra đi. Khi Vạn trở về,  anh lại muốn làm mực thước, làm thánh nhân để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng và đã hy sinh một đời cho ảo tưởng đó trong cuộc sống khắc kỷ đến ngốc nghếch, đáng thương.

Về với cuộc sống làng Đông, Vạn đem lòng yêu thương chị Nhân và 3 đứa con của chị. Đối với Vạn mọi sự gần gũi với gia đình chị Nhân đều xuất phát từ bản năng tự nhiên với những tình cảm thật thà, nồng ấm. Vạn thực tâm muốn trở thành chỗ dựa cho người đàn bà hiền lành tốt tính mà chẳng may chồng lại sớm hy sinh trên chiến trường. Nhưng khi mọi thứ vừa chớm nở thì làng quê đã xì xào, người trong họ đã bất bình, cấm đoán. Vạn lại luôn nghĩ rằng, danh dự của người lính, của người đảng viên không cho phép anh gần  gũi chị Nhân, là người con họ Nguyễn, mối thù truyền kiếp với nhà họ Vũ lại càng ngăn bước anh. Vậy là cả cuộc đời anh phải kìm nén lòng yêu thương và sống trong suy nghĩ:  “Lòng yêu thương chị Nhân là do những phút giây yếu hèn không kìm nén được….Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sỹ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân làng, họ mạc”

Lòng yêu thương chị Nhân là do những phút giây yếu hèn không kìm nén được….Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sỹ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân làng, họ mạc”

Để sống với lý tưởng của mình, Vạn không chỉ chôn giấu tình cảm mà còn dũng cảm làm những điều chẳng ai dám làm. Vạn là người duy nhất ở làng, sẵn sàng xung phong đập phá đình Đông để xây dựng Uỷ ban vì anh nghĩ “người chiến sỹ cách mạng không được tin vào ma quỷ”. Cái đáng sợ nhất với anh là để mất lòng tin với dân với Đảng. Anh cũng là người gạt mọi tình cảm ruột thịt để tự tay bắn vào đầu 2 người chú khi họ  phạm lỗi với chính quyền. Với Vạn, “nếu bố còn sống mà có tội, Nguyễn Vạn cũng không dung tha”.

Nguyễn Vạn đã dành cả cuộc đời để sống cho lý tưởng, sống vì danh dự một cách ngốc nghếch và đáng thương như thế. Nhưng rồi cuối cùng, anh cũng không thể chiến thắng bản năng. Cuối cùng, trong một cơn say, anh đã buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi trên cơ thể  rừng rực của người đàn bà. Đó là lần đầu tiên trong đời Vạn. Nhưng bi kịch thay, người đó lại là Hạnh – con gái chị Nhân – đứa bé mà Vạn đã coi như con gái, trọn một lòng anh chăm sóc, nâng niu.

Bi kịch của những “hòn vọng phu”

Hạnh là cô gái đẹp nhất nhì làng Đông. Tình yêu của Hạnh và Nghĩa được nảy nở, xây đắp trên chính mảnh đất quê hương. Một tình yêu trong sáng, sôi nổi đầy tha thiết. Ngày Hạnh được Nghĩa đưa về về xin ý kiến cha mẹ, ông bà Khiên coi như là “rước voi về giày mả tổ” vì hai dòng họ đã có mối thù hận từ ngàn đời. Nhưng trong lòng Hạnh lại bùng lên ngọn lửa muốn thiêu cháy tất cả mọi hận thù giữa hai dòng họ để được yêu Nghĩa. Hạnh và Nghĩa quyết đến với nhau dù phải chịu bao thiệt thòi bởi sự cấm cản từ gia đình, họ tộc.

Bi kịch thực sự đến với cuộc đời Hạnh khi Nghĩa trở thành người lính. Mười năm ròng, Hạnh mỏi mòn đợi chờ trong lo âu khắc khoải. Mười năm đằng đẵng chờ chồng, Hạnh cô độc, gồng mình chống chọi sự hận thù với những lời đay nghiến, rủa xả của anh em nhà  chồng và người dân làng Đông. Chú Xeng nói xanh rờn“Chừng nào con Hạnh còn ở trên đất từ đường thì tai họa còn xảy ra”.

Hoà bình lập lại, chồng mang vinh quang về ngỡ tưởng sẽ sung sướng nhưng Hạnh lại càng khổ hơn  bởi mãi mà cô chẳng thể có con. Hạnh ngày càng mỏi mòi đi cùng với nỗi  hoang mang lo sợ. Mẹ Nghĩa nhìn Hạnh với đôi mắt lạnh lẽo. Người dân làng Đông cũng không nhìn cô bằng cái nhìn nồng ấm như xưa. Có người còn nói rằng: “Phu nhân đại tá  bị điếc”. Vậy nhưng tất cả mọi người đều không hay biết nguyên nhân việc Hạnh không thể có con xuất phát từ Nghĩa, anh nhiễm chất độc da cam từ những ngày còn ở chiến trường.

Cuộc hôn nhân đầy mê say của Hạnh đi đến kết thúc khi Nghĩa ngả vào lòng người phụ nữ khác. Ông trời run rủi đẩy Hạnh buộc phải biết mối tình vụng trộm giữa Nghĩa và Thuỷ. Hạnh quay trở về, dứt khoát  li hôn với đầy nỗi cay đắng tủi nhục. Suốt 10 năm đằng đẵng làm vợ Nghĩa, ngày về nhà mẹ đẻ, cô chỉ  có một chiếc rương gỗ cũ kĩ mang đi.  Ngày hai người ra toà, Nghĩa dành lại ba gian nhà mái bằng trên nền từ đường cho Hạnh rồi cùng mẹ lên tỉnh. Hạnh lại tự trách bản thân vì nghĩ rằng Nghĩa vì mình mà bỏ đi.

 

Bi kịch của cuộc đời Hạnh đâu dừng lại tại đó. Trong đau khổ cùng cực, cô ngã vào vòng tay chú Vạn. Cô mang trong mình giọt máu với Vạn rồi bỏ làng đi biệt tích. Đến cuối cùng cô vẫn phải trở về, ước nguyện sống những ngày bình an còn lại trong cuộc đời. Ngỡ tưởng ông trời sẽ bù đắp lại cho Hạnh vì những đau khổ mất mát cô trải qua, nhưng rốt cuộc, ngày cô trở về, đưa con gái về với cha của nó, thì cũng là ngày con mất bố, chú Vạn vì cùng quẫn, xót xa, xấu hổ đã tự vẫn.  Số phận người phụ nữ đẹp nhất nhì làng Đông chưa một ngày được hạnh phúc trọn vẹn.

Số phận người phụ nữ đẹp nhất nhì làng Đông chưa một ngày được hạnh phúc trọn vẹn.

Ở làng Đông còn nhiều cảnh ngộ khác cũng đau khổ như Hạnh. Dâu, cô gái tươi trẻ, mạnh mẽ và cá tính, tưởng cuộc đời sẽ chỉ vang giòn những chuỗi cười vui, nhưng rốt cuộc lại sống cô đơn góa bụa. Ngày ngày Dâu lặng lẽ đi chùa bên những bà già bỏm bẻm nhai trầu. Mụ Hơn từng là cô gái xinh đẹp hát hay nức tiếng ở miền quan họ, về làng Đông làm dâu nhà hào môn chưa được mấy ngày thì bị đấu tố, bố chồng bị bắn chết, chồng cắn lưỡi tự tử, con bị bọn trẻ coi khinh đánh đập. Chiến tranh, những chàng trai sức vóc cường tráng đều ra trận, Thắm – cô gái đẹp rực rỡ của làng Đông, đã lấy Huy, một thợ chụp ảnh thọt chân, nhưng chẳng bao lâu phải vỡ mộng uyên ương vì thói trăng hoa của chồng. Rồi Thắm yêu một chàng pháo thủ. Hòa bình, anh vào Nam biệt tích, không hề biết đêm vụng trộm duy nhất của hai người đã để lại một đứa con…

Dương Hướng đã khắc họa rất thành công bi kịch của những nhân vật nữ trong Bến không chồng. Bi kịch của những người cả quãng đời thanh xuân bị mưa bom bão đạn vùi lấp, mỏi mòn làm núi Vọng phu ngóng đợi, chờ trông. Nhưng trớ trêu thay, bi kịch cuộc đời họ vẫn nối dài dù bom đạn đã ngừng rơi.

Một bức tranh buồn về nông thôn Việt Nam

Trong tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng, người đọc không chỉ thấy những cảnh đời, những số phận con người sau cuộc chiến mà còn có thể hình dung về diện mạo, nếp sống của nông thôn Việt Nam trong thập niên 80, 90.

Có một thời kỳ mà dân làng muốn bán con trâu phải lên xã xin ông chủ tịch. Ông chủ tịch thì “cầm tờ giấy trên tay mà không nhận ra mình cầm ngược đọc”. Cũng đã có một thời bao số phận điêu đứng vì phong trào cải cách ruộng đất, chia lại ruộng đất nông thôn, xoá bỏ địa chủ, cường hào…Câu chuyện đấu tố gia đình địa chủ Hào được Dương Hướng kể lại vô cùng xót xa.  Dân quân đánh ông địa chủ đến “phọt cứt” để tìm hai mâm đồng còn thiếu. Thằng Công con địa chủ Hào vì thế mà cắn lưỡi tử tự. Trong không khí rầm rộ của cuộc đấu tố, ông chủ tịch nhất định  phải giao cho thằng Thước con cưng của địa chỉ Hào việc xử bắn bố mình, Vạn nhất định phải bắn vào chú Xèng chú Xình để chứng tỏ lập trường giai cấp.

Sau cuộc đấu tố, có người đã phát điên vì con mình bị xử bắn. Những đứa con của địa chủ phải sống cuộc đời khốn khổ khi bị bạn bè trang lứa đánh đập, coi khinh. Con dâu địa chủ Hào chắp tay xin lạy Vạn giúp đỡ để con bà không bị con của mấy ông bà nông dân đánh đập “con chắp tay lạy ông trăm lần ngàn lần đừng ghét bỏ nó, đừng để các con của ông bà nông dân đánh nó. Con nhìn thấy các ông con của ông bà nông dân đánh nó, xử tội nó mà không dám hé  răng nửa lời. Con sợ ông bà nông dân lại nói con là chống đối giai cấp nghèo khổ. Con xin hứa sẽ nuôi dậy nó thành người nghèo khổ”

Con nhìn thấy các ông con của ông bà nông dân đánh nó, xử tội nó mà không dám hé  răng nửa lời. Con sợ ông bà nông dân lại nói con là chống đối giai cấp nghèo khổ. Con xin hứa sẽ nuôi dậy nó thành người nghèo khổ”

Đó là nếp tâm lý, ý thức còn nguyên sự hủ lậu, chưa thể nào thay đổi được trong một xã hội nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Và đó cũng là nguyên cớ cho mọi tai hoạ mà con người phải chịu đựng trong một thời gian dài như một áp đặt của định mệnh, cho đến lúc nhờ vào những gì chuyển giao giữa hai thập nên 80 và 90 mới bừng tỉnh.

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *