Category: Văn học Việt Nam

  • Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng

    Khi bị phản bội, ai cũng sẽ cảm thấy cay đắng và mất niềm tin. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta sẽ đối mặt như thế nào? Có người sẽ tự làm lành vết thương rồi đứng dậy mà bước tiếp. Nhưng cũng có người lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng và trở nên…hận đời.  Nhân vật người cha trong “Cánh đồng bất tận” là một trường hợp điển hình như vậy.

    Cha của Điền và Nương vốn là một người đàn ông nồng ấm, yêu thương vợ bằng những cử chỉ thật thà. Vậy nhưng từ ngày vợ bỏ đi theo một người đàn ông buôn lụa trên bến ghe, con người ấy như đã chết. Thay vào đó là một người đàn ông lặng lẽ, cay nghiệt. Sáng sớm ông vẫn thường đánh hai đứa nhỏ vì hoang hoải, vì chán chường và cũng vì con bé Nương nó vô tình giống mẹ đến lạ lùng. Lâu dần rồi ông cũng không thèm đánh nữa. Lòng ông lạnh lẽo và bỏ mặc hai đứa con, mặc cho chúng đói khát, cô đơn, thất học hay hiểm nguy rình rập. Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Rồi người đàn ông đó tìm cách làm đau phụ nữ để xoa dịu nỗi đau của chính mình. Ông khiến người ta mến thương rồi hy vọng. Những ai đánh đổi gia đình, đi theo ông và hai đứa nhỏ, sẽ bị bỏ rơi theo cách bẽ bàng và tủi hổ nhất. Như người đàn bà ở Bàu Sen chẳng hạn. Chị đã bỏ lại đứa con thơ, xóm làng, ngôi nhà, vườn tược…gần như là tất cả để theo ba cha con nhưng rồi sau một đoạn đường, người đàn ông đó bảo chị lên bờ mua một ít củ cải muối mà đạp ghe đi mất với nụ cười làm hai đứa nhỏ không bao giờ quên được. “Đó là cái cười vừa dữ dội, vừa đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã.”…Đó không phải là người đàn bà duy nhất mà người đàn ông đó bỏ lại.

    Trong khi người cha mải miết chạy trốn chạy nỗi đau bị phản bội thì hành trình đó lại mang đến cho hai đứa trẻ những nỗi đau bất tận. Chúng đã lớn lên mà không tình yêu thương, không bè bạn, không sự sẻ chia. Chúng có lúc đã khao khát đến vô vọng tiếng người và một cuộc sống…bình thường. Dần dà chúng trở nên lập dị mà người cha chỉ hay biết nỗi đau của đời mình.

    Nguyễn Ngọc Tư đã thành công khi kể về cuộc sống lênh đênh, nghèo nàn, hiu quạnh của ba cha con trên một chiếc thuyền. Cuộc sống đó ám ảnh người đọc, lấy đi nước mắt của người đọc và cũng để một lần nhắc nhớ người đọc rằng: mỗi quyết định của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ như thế nào. Người lớn có những nỗi đau có thể không bao giờ lành miệng, nhưng không thể, không được phép bắt con trẻ phải cùng mình gồng gánh những nỗi đau đó. Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta. Bởi lẽ, “không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh” mà thôi.

    Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta.

    Quy luật nhân quả

    Một quy luật của cuộc sống là, dần dà, rồi chúng ta sẽ phải trả giá một cách đầy đủ cho từng lỗi lầm, từng hành động sai trái và sẽ được đền đáp một cách xứng đáng cho mọi cố gắng và mọi việc làm tốt đẹp của mình. Người đàn ông đó đã phải trả giá vì những nỗi đau mình gây ra cho những người phụ nữ vô tội bằng cuộc sống đắm chìm trong sự tuyệt vọng mãi mãi, không thể thoát ra khỏi niềm đau. Người cha đó đã phải trả giá vì đã huỷ hoại cuộc đời hai đứa trẻ bằng việc mãi mãi mất đi đứa con trai giàu tình cảm, mà đau đến sững sờ khi nhận ra, con gái rơi vào hoàn cảnh hiểm nguy cũng không cầu cứu cha mình.

    Trời đất đã trừng phạt người cha đó bằng một hình phạt đớn đau đến tận cùng. Đó là những thằng thanh niên mạt hạng, giữ ông đúng một tư thế, bắt ông phải chứng kiến cảnh chúng thay nhau hãm hiếp con gái ông. Lúc đó đôi mắt ông ầng ậc nước thì cũng còn có nghĩa lý gì đâu?

    Cuộc đời cũng đã cho một đứa trẻ kịp hiểu rằng, mình chính là nguyên nhân khiến mẹ bỏ đi, khiến cho tai ương ập đến với gia đình. Nhưng phải chính lúc Nương bị đám thanh niên hãm hiếp thì em mới nhận ra rằng, suy nghĩ lâu nay của em về mẹ, rằng mẹ bỏ nhà theo trai, rằng hình ảnh em tận mắt chứng kiến mẹ với người đàn ông bán lụa trần trụi với nhau không như những gì em nghĩ. Phải khi chính em bị đày đoạ thân xác, lúc đó em mới hiểu ra rằng “cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó”.

    Cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó

    “Cánh đồng bất tận” đã khép lại như vậy, để lại trong lòng người đọc những nỗi buồn mênh mông, về cuộc đời, về con người, về gia đình, tình cảm cha con, mẹ con.  Hơn hết, “cánh đồng bất tận” sẽ nhắc nhớ chúng ta về quy luật nhân quả sớm muộn, sẽ đến với tất cả mọi người trong hành trình của cuộc đời mình.

     

  • Tướng về hưu – người lạc loài trong thời đại mới

    Tướng về hưu – người lạc loài trong thời đại mới

    Ông Thuấn là tướng về hưu. Dù tốt bụng và nồng hậu nhưng chỉ 01 năm sau khi rời quân ngũ, cuộc sống mới đã làm ông bạc tóc nhanh hơn cả cuộc đời chinh chiến của mình.  Bởi lẽ thực tế là những điều có chết ông cũng chưa bao giờ hình dung ra. Trở về nhà mình, ông day dứt lương tâm khi thấy các con cho mẹ già lại lẫn ăn riêng ở riêng. Ông xót thương nhìn cảnh ông Cơ, cô Lài – những người dù mang tiếng được cưu mang nhưng về nhà ông  lại phải làm không hết việc. Ông phẫn nộ khi chứng kiến cảnh Thuỷ – con dâu mang những nhau thai nhi, bỏ vào phích nước, đem về nấu cám cho chó ăn. Điều đáng nói ở đây là, trước tất cả những điều ông bất bình đó thì những người xung quanh ông lại cho rằng mọi việc là bình thường. Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.

    Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.

    Nguyễn Huy Thiệp đã đề cập đến một vấn đề quan trọng của tâm lý con người thời kỳ quá độ. Nếu trong những ngày bao cấp, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, con người sống với  nhau trọn vẹn nghĩa tình, không so đo tính toán, đề cao giá trị chung và phấn đấu cho lý tưởng, thì giờ đây, khi bước sang một kỷ nguyên mới, giá trị con người đề cao là tiền bạc, vật chất. Cuộc sống bởi vậy có lúc trở nên thật khủng khiếp. Và đương nhiên, những người tốt nhưng xưa cũ như tướng Thuấn về hưu sao có thể hoà nhập. Ông đau khổ, lạc lõng và cuộc đời trôi dài trong bi kịch.

    Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của ông tướng về hưu đó là sự bất lực đến nhu nhược. Nếu trước đây ông có thể chỉ huy cả trung đoàn tiến quân ra trận, lời nói của ông tựa như thiên lệnh, hàng nghìn người răm rắp nghe theo, thì bây giờ, điều ông có thể làm chỉ là thở dài. Mạnh mẽ hơn là gào lên phẫn nộ. Ông bất lực trước cuộc sống kim tiền, đau khổ khi nhận thấy mình lạc loài trong cuộc sống mới. Ông làm được gì để thay đổi cuộc sống hôm nay?

    Có lẽ  những người sinh ra từ cuộc chiến, trưởng thành trong đạn bom chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc từ trong đó. Ngày nhận được giấy báo của đơn vị rằng cần ông trong trận chiến, ông như trẻ lại, cuộc sống như được hồi sinh. Có lẽ sự hy sinh của ông sau đó cũng là một kết cục tốt đẹp mà tác giả muốn dành cho con người tử tế nồng hậu nhưng lạc thời như trung tướng Nguyễn Thuấn.

    Trong tác phẩm “Tướng về  hưu” tác giả khẳng định một chân lý vẫn là: “Không một ai là hoàn toàn xấu và cũng không có ai là tốt hoàn toàn”. Ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ, theo dõi kỹ, ta vẫn cảm nhận được không ít điều hay lẽ phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có. Nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) có nói: “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen”. Nguyễn Huy Thiệp  khi viết về những con người “lỗ mãng, táo tơn, làm đủ điều phi nhân bất nghĩa”, tác giả vẫn dành cho họ những lời thông cảm… “ Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Lão Bổng dù vô liêm sỉ nhưng cũng biết rung động trước cái đẹp và đặc biệt là còn biết nhục. Khi người chị hấp hối bị lẫn không gọi được tên ông, chỉ nói được ông “là người” thì ông oà lên khóc: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng này gọi em là đố chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn, chỉ có chị gọi em là người”. Những kẻ vô liêm sỉ dẫu sao vẫn còn biết nhục và còn biết thổn thức khi được tôn trọng. Đây chính là cái nhìn đầy triù mến và bao dung với những phận người rẻ mạt.

    “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen.

     

  • Cuộc sống hữu hạn, hãy yêu thương

    Cuộc sống hữu hạn, hãy yêu thương

    “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

    Đó chính là câu nói nổi tiếng của người người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Đến nay, năm tháng đi qua, tác giả của câu nói cũng đã về với cõi vĩnh hằng nhưng bạn đọc, đặc biệt là giới mộ điệu đều phải công nhận một điều rằng, ở trong địa hạt nào – nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ, tài tử họ Trịnh đều để lại cho đời những dấu ấn riêng, những giá trị nhất định, khó có thể phai mờ.

    Có thể nói, dù là trong âm nhạc, thi ca hay văn học, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những tác phẩm của ông đều tập trung ở hai yếu tố xoay quanh con người, đó chính là: Thân phận và tình bạn – tình yêu. Sự thống nhất hài hòa giữa ba mặt tư tưởng – tác phẩm – con người đã hình thành nên một Trịnh Công Sơn với chất riêng, rất giản dị, gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, triết lý.

    Viết về nhiều thân phận, tuy nhiên ông đặc biệt dành tình yêu thương, lòng biết ơn vô bờ bến của mình cho mẹ và cuộc đời tần tảo mà bà đã dành cho con cái.

    “Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hi sinh tất cả tính mang. Đó là mẹ tôi”

    “Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hất tất cả mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là mẹ tôi”

    Mẹ tuy là một thân phận bé nhỏ nhưng bằng tình yêu thương rộng lớn của mình, bà trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết. Xuyên suốt tác phẩm Trịnh Công Sơn, tôi là ai là ai, ta thấy được mạch tư tưởng của Trịnh thường lấy cái hữu hạn so với cái vô cùng. Thân phận, tình yêu, cuộc sống mỗi người là cái hữu hạn – cuộc đời rộng lớn, hạnh phúc, khổ đau, hạnh ngộ, chia ly là những điều vô cùng. Để rốt cuộc, khi nhìn thấy được hai mặt của đời sống, con người biết chấp nhận, sống trọn vẹn, bao dung và yêu thương nhiều hơn.

    Khi nhìn thấy được hai mặt của đời sống, con người biết chấp nhận, sống trọn vẹn, bao dung và yêu thương nhiều hơn.

    Với Trịnh Công Sơn, cái hữu hạn đã thúc đẩy con người khao khát tìm đến một điều gì trường tồn, không thể biến mất, đó chính là tình bạn, tình  yêu. Quan niệm về tình bạn và tình yêu được Trịnh đề cập khá nhiều trong những áng văn của mình.

    Lúc so sánh giữa hai thứ tình này, ông cho rằng “May thay trong cuộc đời này có tình yêu vừa có tình bạn… Tôi thấy tình bạn quí hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa”.

    Và có lẽ không ít người cũng đã bắt gặp hình ảnh của bản thân trong câu nói: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ ᴄó thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúᴄ, những điều mới mẻ nhất ѕẽ đến trong tương lai. Cũng ᴄó thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn ᴠà ᴄần nhất ᴄhỉ đến một lần trong đời”. Để rồi suy cho cùng thì: “Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt”.

    Tựu chung lại, qua cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Tôi là ai là ai”, người nghệ sĩ tài hoa cho ta thấy được tác giả đã nhìn cuộc sống đang diễn như nó vốn có, một tư tưởng rất giống Phật giáo, không trốn tránh thực tại và gửi đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa – chúng ta cần chấp nhận, bao dung, dùng tình yêu, sự tử tế để đối đãi với những người chung sống. Đó là tư tưởng rất mới, lạc quan chứ không hề mang nặng sự bi quan, bị lụy mà nhiều người lầm tưởng về ông. Ngay tại thời điểm bây giờ, đây vẫn là lối suy nghĩ tích cực đáng được noi theo. Chúng ta đứng trước sự hữu hạn của đời sống, hãy dùng tình yêu thương, bao dung để  một lần nữa xích lại gần nhau hơn.

    Chúng ta đứng trước sự hữu hạn của đời sống, hãy dùng tình yêu thương, bao dung để  một lần nữa xích lại gần nhau hơn.

    Lưu Hồng

  • Nghĩa hiệp và chính trực

    Nghĩa hiệp và chính trực

    Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng năm 1964, là một trong những khu binh gia lớn nhất của Hà nội thời chiến tranh chống Mỹ. Có khoảng 500 gia đình sĩ quan đã từng sống ở đây. Cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” tái hiện lại cuộc sống của những đứa con các gia đình quân nhân – những đứa trẻ thông minh, dũng cảm, nghĩa hiệp nhưng hơi chệch hướng đã làm cho Quân khu Nam Đồng trở nên khét tiếng một thời.

    Những đứa trẻ nghĩa hiệp chệch hướng

    Việt, Hoà, Anh Sơn, Tiến Thọt, Tuấn Mím…là những đứa trẻ Nam Đồng lớn lên trong chiến tranh, cha đi chiến đấu biền biệt, mẹ tăng gia sản xuất không có thời gian quan tâm, dạy dỗ…Dù thông minh nhưng kết quả học hành của chúng luôn lẹt đẹt bởi lẽ, chúng đánh nhau quá nhiều. Trong bức tranh kể về cuộc sống của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng thời đó, những trận đánh của chúng chiếm khá nhiều dung lượng. Bắt đầu từ trận đánh Ô Chợ Dừa, chúng đánh nhau với bọn trấn lột ở cổng trường để bảo vệ cho đám con gái, những đứa nhỏ bé và những em học sinh lớp dưới… Trận đánh rạp chiếu phim thì diễn ra khi đám trẻ Nam đồng thấy 02 thanh niên mặc quần áo bộ đội bạc phếch, đánh túi bụi một cậu bé trai khoảng 13 – 14 tuổi…Với chúng Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính  nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội,  trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”. Quả thực, chúng đã dùng hết sức mình để thực hiện lời tuyên ngôn đó.

    Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính  nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội,  trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”

    Tuy nhiên, tất cả mọi việc đều cần có chừng mực. Là những thanh niên mới lớn, những đứa trẻ Nam Đồng có quá nhiều năng lượng. Có lúc chúng đánh nhau vì những lý do lãng xẹt và đầy tính manh động. Manh động đến mức cầm búa đập vào đầu khiến con nhà người ta phải nhập  viện. Có những đối tượng bị chúng đánh phải điều trị gần chục ngày, đầu khâu nhiều mũi nhưng theo lời chúng mô tả thì rất nhẹ. Chúng đầy bản năng, bất trị, bạo liệt và…chệch hướng.

     

     Cuối cùng điều gì đến cũng buộc phải đến. Những đứa trẻ quả cảm, đầy khí phách nhưng hơi chệch hướng đã dừng lại những trò đánh nhau cho đến khi xảy ra một sự việc nghiêm trọng. Chúng đánh chết người.  Số phận của những đứa trẻ Nam đồng từ đây mỗi người một hướng. Đứa nhập ngũ, đứa vào tù, đứa tiếp tục theo học…Nhưng kỳ lạ là, dù ở đâu, chúng vẫn luôn cùng nhau thực hiện một điều: giữ gìn hình ảnh quân khu Nam Đồng.

    Tác  giả Bình Ca, với giọng văn dì dỏm hài hước nhưng đầy chiều sâu đã lôi cuốn người đọc hồi hộp theo dõi những trận đánh của đám trẻ quân khu. Cùng với đó là trò quậy phá tuổi học trò với những rung động đầu đời tưởng mơ hồ mà quá đỗi sâu đậm. Người đọc có lúc bật cười với những câu chuyện hồn nhiên, chân thật, đầy sinh động nhưng cũng có lúc ngậm ngùi với những phân đoạn buồn về số phận những đứa trẻ. Rõ ràng là không phải ai cũng được ông trời ưu ái.

    Giá trị của lòng chính trực

    Chất lính của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng không chỉ ở tinh thần nghĩa hiệp mà còn ở lòng chính trực. Khi Quốc Tẩm khi lấy trộm tiền của mẹ, Hoà đã khuyên: “Mình là con nhà lính,  làm chuyện gì cũng đàng hoàng… Nếu mày không vượt được qua lần này thì sau mày sẽ lại ăn cắp tiền của mẹ mày nữa”. Nếu chúng đã nhận thức được điều đó là sai, thì lòng chính trực mãnh liệt trong chúng sẽ thôi thúc cho đám trẻ nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm của mình.

    Câu chuyện về Đỗ – bí thư chi đoàn là một câu chuyện buồn. Đến tận cùng, những đứa trẻ Nam Đồng vẫn đặt niềm tin vào người đã giúp đỡ chúng, tạo điều kiện cho chúng được “cảm tình Đoàn”. Vậy nhưng sự thật thì không chối bỏ được. Khi chúng biết Đỗ phản bội, làm thầy Toàn tổn thương, là người bí mật báo cáo với cô giáo những trò nghịch dại của chúng, là người đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi…thì từ đó cả lớp cũng không ai nhắc đến Đỗ nữa. Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó. Làm sao trong trái tim của sự ngay thẳng và chính trực có chỗ cho sự phản bội và lòng giả dối.

     

     

    Nhà văn Bình Ca

     

    Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó.

    Trái ngược với Đỗ là Giang cận. Anh bí thư chi đoàn bị cách chức vì bị cảm hoá ngược. Trong một lần Giang cận tiếp cận với Hoà, Khanh để khuyên bảo các bạn dừng lại những  trò đánh nhau thì  cũng chính lần đó, Giang cận “gia nhập” vào đội nhóm những đứa trẻ quân khu với những trận đánh nhau gây kinh hồn bạt vía. Với  tính cách dũng cảm, gan lì và  đàng hoàng, dù có bị công an nhốt vào đồn thì Giang cận sẽ vẫn luôn khai báo một cách trung thực, đánh bao nhiêu đứa, dùng vũ khí gì. Nên Giang cận sẽ luôn là đứa vào đồn đầu tiên và ra khỏi đồn cuối cùng. Nhưng với tố chất thông minh  trời phú, nó ở đâu cũng là đứa dẫn đầu và luôn là người mà đám trẻ quân khu Nam Đồng nể nhất.

    Có lẽ tác giả Bình Ca cũng không có ý chuyển tải quá nhiều thông điệp trong cuốn sách này. Nhưng từ bức tranh ký ức về những  đứa trẻ Nam Đồng ông kể lại người đọc vừa có thêm một hình dung hoàn toàn khác về chiến tranh, vừa một lần được nhắc nhớ về những giá trị cốt lõi trong đời sống con người như tinh thần nghĩa hiệp và lòng chính trực. Ở bối cảnh nào thì đó vẫn sẽ mãi là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện và vươn tới.

     

     

  • Mất hy vọng là mất tất cả

    Mất hy vọng là mất tất cả

    Một cuộc chiến tàn bạo

    Xuyên suốt trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh khắc hoạ lại diện mạo một cuộc chiến mà lâu nay  lịch sử vẫn gọi tên là cuộc chiến thần thánh. Đúng, đó là cuộc chiến thần thánh khi “châu chấu có thể đánh  thắng voi”. Nhưng những bạo tàn của nó thì ít ai hình dung được. Chiến tranh đã biến một vùng đất thành Truông Gọi Hồn, xoá sổ không biết bao tiểu đội, đã giam cầm con người để họ biến thành “một con vượn rất to, phải bốn người kéo ra mới khiêng nổi con thú ấy về lán của đội trinh sát. Nhưng lạy Chúa tôi, đến khi ngả nó ra, cạo sạch được bộ lông thì ôi giời đất ơi, con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bàn béo xệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược”.

    Cuộc sống của những người lính – những người vẫn được gọi là anh hùng điêu tàn đến khốn khổ. Họ phải sống trong những cảnh tưởng mà “máu tung xối, chảy toé, ồng ộc, nhoe nhoé” “đạn bắn phọt óc con người” “những tấm ni lông quấn đầy tử sĩ”…Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ …Chiến tranh đã biến  những người lính vốn là những người nông dân  giản dị, dịu hiền, có cách nhìn đời nhân hậu trở thành những người có thói hiếu sát, máu hung tàn, tâm lý thú  rừng, ý chí tối thăm và lòng dạ gỗ đá.

    Nhà văn Bảo Ninh

    Chiến tranh cũng đã biến thân phận một con người trở thành phận con sâu cái kiến. Như Can một chàng lính vì không vượt  qua nổi sự khốc liệt của cuộc chiến, anh đào ngũ và chết trong rừng sâu với đầy sự nhục nhã. “Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được cái xác. Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặc của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục… Hai hố mắt như hai cái tăng xê, chưa gì đã mọc rêu xanh lè…” Tên tuổi của một người từng vào sinh ra tử không kém cạnh ai và vốn hoàn toàn không phải đồ tồi đã ra đi như vậy.

    “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người”. Rõ ràng, hoà bình là cái cây mọc lên máu, tính mạng, cuộc đời của biết bao con người. Đối với những người lính, những người đã ngã xuống lại là những người đáng được sống nhất.

    “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người”.

    Những tâm hồn không lối thoát

    Kiên là nhân vật dẫn dắt trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Dù là người may mắn sống sót để tận hưởng thành quả hoà bình nhưng cuộc sống với anh chẳng dễ dàng gì. Chứng kiến những cái chết của đồng đội, theo dần năm tháng, những luồng tử khí đã hoà thành tiềm thức, trở thành bóng tối trong tâm hồn anh, không thể nào vươn lên nổi. Kiên đau khổ, dày xé, bị ký ức chiến tranh bóp nghẹt. Về với thời bình, chỉ cần nhìn thấy những cảnh lính Mỹ mặc áo giáp trên truyền hình, anh đã không thể  bình tĩnh nổi. “Tôi sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng”. Thời đại mới đối với Kiên không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp mà tâm hồn mỗi ngày thêm hoang phế, vật vờ toàn những hồn ma bóng quỷ. Anh như mắc kẹt lại trên cõi đời này.

    Không chỉ Kiên mà thế hệ anh cũng không ít người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Như  Vượng – cựu binh  thiết giáp, bốn năm trời lái T54  hoành hành ở miền Đông. Vượng ban đầu cũng hồ hởi xây dựng cuộc sống mới với ước mong tiếp tục được lái xe, xe tải, xe con, xe khách, tàu lu và kiên quyết không đụng đến một giọt rượu. Nhưng di chứng của chiến  tranh khiến anh khi lái xe, những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm là oẹ, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Anh bị hội chứng” sợ mặt đường”. Vậy là rượu xâm chiếm cuộc đời anh. Đó chính là những người không thể nào nhấc chân ra khỏi cuộc chiến.

    Nếu  trong tác phẩm “Bến không chồng” những con người hậu chiến dù có những méo méo về tâm hồn, có phải chịu đựng bao nỗi đau thương thiệt thòi từ thời cuộc nhưng trong họ vẫn còn hy vọng, vẫn còn khao khát vươn lên kiếm tìm những ngày tháng bình yên. Nhưng trong “Nỗi buồn chiến tranh”, nhân vật của Bảo Ninh đã hoàn toàn lụi tàn và chìm đắm trong hố sâu ký ức. Kiên cũng như nhiều  người khác chỉ có thể tìm thấy hơi thở cuộc sống trong những ký ức đau thương, dữ dội, trong đạn bom chém giết. Đó là khi chiến tranh đã chiến thắng, cái ác, tính phi nghĩa đã chiến thắng. Cuối cùng là tác giả cũng đành đi phải đi đến cái kết với một thoả hiệp rằng: “Tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn,  tâm hồn anh mãi mãi được  sống trong mùa xuân của những tìnhc ảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tính yêu, tình  bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh…Bởi vì thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người…”

    Tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ… Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình  bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh…Bởi vì thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người…”

     

    Phận tình yêu khốn khổ

      Tất cả những câu chuyện tình trong “Nỗi buồn chiến tranh” đều buồn đến bi thương.

    Câu chuyện về HơBia, Mây, Thơm với các đội viên trinh sát là câu chuyện tình bi thảm và mông muội. Ba cô gái bị chiến tranh cầm tù giữa rừng sâu núi thẳm đã khoả  lấp nỗi khát khao tuổi trẻ của cả một tiểu đội. Trong chiến tranh đã không còn luân lý. Tính phi lý và tội lỗi trong mối duyên tình chung đụng,  dan díu, san sẻ của những người con gái con trai vừa mới đôi mươi khiến người đọc vừa đau đớn, vừa xót thương, không nỡ lòng một câu ngờ vực hay giận tủi. Chiến tranh đã biến những điều  to lớn trở nên bé nhỏ cùng những mong muốn buồn vui bé nhỏ trở thành nỗi niềm không bao giờ được nhắc đến.

    Cuốn sách cũ kỹ của Hoa

                Chiến tranh đã khiến bao tình yêu trở nên xa xót như câu chuyện tình giữa Kiên và Phương. Rõ ràng, đó là những tình cảm tự nhiên, thuần khiết đầy mãnh liệt. Nhưng chiến tranh đã chia cắt lứa đôi. Dù rằng Phương mãnh liệt và không ngại định kiến xã hội nhưng sự chần chừ và nỗi lo sợ trong Kiên lớn hơn niềm tin mà anh giành cho cô ấy. Anh đã không đáp một tiếng gọi của Phương trong đêm tối mịt mù mà để rồi cả đời anh sống trong dày vò, hối hận. Kiên rốt cuộc cũng chỉ là người đàn ông nhu nhược bị chiến tranh làm cho hoang dại, tạ tàn.  Cả cuộc đời chìm đắm trong nỗi nhớ và niềm day dứt với Phương. Người đọc sẽ cảm thấy ngột ngạt trước tình  yêu của Kiên đối với Phương, đôi khi thầm tự hỏi, điều gì đã làm nên nông nỗi đó? Là do Kiên hay do chiến tranh? Do đạn bom hay do sự nhu nhược của một người đàn ông không dám nắm bắt lấy hạnh phúc của cuộc đời? Nhưng làm sao dám khi cả xã hội chỉ đang sống cho một lý tưởng duy nhất là độc lập. Làm sao dám khi với chiến tranh, cái chết là vô nghĩa.

    Rốt cuộc họ cũng chỉ là nạn nhân của bạo lực, của lòng tham, của những chết chóc mà thôi.

     

     

     

     

     

     

     

     

  • “Bến không chồng” – Những lầm lạc thời hậu chiến

    “Bến không chồng” – Những lầm lạc thời hậu chiến

    “Bến không chồng” lấy bối cảnh làng Đông – một làng quê với những cảnh sắc và phong tục đặc trưng miền Bắc Bộ. Ở đó, có mối hận thù truyền kiếp giữa dòng họ Nguyễn và họ Vũ, có những phận người rơi vào tận cùng khổ đau do những hủ tục, lạc hậu của một xã hội nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún.

    Mặt trái của những tấm huân chương

    Nguyễn Vạn – người lính Điện Biên trở về với dấu tích oanh liệt là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gẫy. Ngày ra đi Vạn mang lý tưởng cống hiến đời mình cho Tổ quốc.  Suốt những năm ở chiến trường, anh đã chiến đấu đầy dũng khí và chưa một lần phải hổ thẹn với lời thề ngày ra đi. Khi Vạn trở về,  anh lại muốn làm mực thước, làm thánh nhân để xứng đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng và đã hy sinh một đời cho ảo tưởng đó trong cuộc sống khắc kỷ đến ngốc nghếch, đáng thương.

    Về với cuộc sống làng Đông, Vạn đem lòng yêu thương chị Nhân và 3 đứa con của chị. Đối với Vạn mọi sự gần gũi với gia đình chị Nhân đều xuất phát từ bản năng tự nhiên với những tình cảm thật thà, nồng ấm. Vạn thực tâm muốn trở thành chỗ dựa cho người đàn bà hiền lành tốt tính mà chẳng may chồng lại sớm hy sinh trên chiến trường. Nhưng khi mọi thứ vừa chớm nở thì làng quê đã xì xào, người trong họ đã bất bình, cấm đoán. Vạn lại luôn nghĩ rằng, danh dự của người lính, của người đảng viên không cho phép anh gần  gũi chị Nhân, là người con họ Nguyễn, mối thù truyền kiếp với nhà họ Vũ lại càng ngăn bước anh. Vậy là cả cuộc đời anh phải kìm nén lòng yêu thương và sống trong suy nghĩ:  “Lòng yêu thương chị Nhân là do những phút giây yếu hèn không kìm nén được….Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sỹ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân làng, họ mạc”

    Lòng yêu thương chị Nhân là do những phút giây yếu hèn không kìm nén được….Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sỹ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân làng, họ mạc”

    Để sống với lý tưởng của mình, Vạn không chỉ chôn giấu tình cảm mà còn dũng cảm làm những điều chẳng ai dám làm. Vạn là người duy nhất ở làng, sẵn sàng xung phong đập phá đình Đông để xây dựng Uỷ ban vì anh nghĩ “người chiến sỹ cách mạng không được tin vào ma quỷ”. Cái đáng sợ nhất với anh là để mất lòng tin với dân với Đảng. Anh cũng là người gạt mọi tình cảm ruột thịt để tự tay bắn vào đầu 2 người chú khi họ  phạm lỗi với chính quyền. Với Vạn, “nếu bố còn sống mà có tội, Nguyễn Vạn cũng không dung tha”.

    Nguyễn Vạn đã dành cả cuộc đời để sống cho lý tưởng, sống vì danh dự một cách ngốc nghếch và đáng thương như thế. Nhưng rồi cuối cùng, anh cũng không thể chiến thắng bản năng. Cuối cùng, trong một cơn say, anh đã buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi trên cơ thể  rừng rực của người đàn bà. Đó là lần đầu tiên trong đời Vạn. Nhưng bi kịch thay, người đó lại là Hạnh – con gái chị Nhân – đứa bé mà Vạn đã coi như con gái, trọn một lòng anh chăm sóc, nâng niu.

    Bi kịch của những “hòn vọng phu”

    Hạnh là cô gái đẹp nhất nhì làng Đông. Tình yêu của Hạnh và Nghĩa được nảy nở, xây đắp trên chính mảnh đất quê hương. Một tình yêu trong sáng, sôi nổi đầy tha thiết. Ngày Hạnh được Nghĩa đưa về về xin ý kiến cha mẹ, ông bà Khiên coi như là “rước voi về giày mả tổ” vì hai dòng họ đã có mối thù hận từ ngàn đời. Nhưng trong lòng Hạnh lại bùng lên ngọn lửa muốn thiêu cháy tất cả mọi hận thù giữa hai dòng họ để được yêu Nghĩa. Hạnh và Nghĩa quyết đến với nhau dù phải chịu bao thiệt thòi bởi sự cấm cản từ gia đình, họ tộc.

    Bi kịch thực sự đến với cuộc đời Hạnh khi Nghĩa trở thành người lính. Mười năm ròng, Hạnh mỏi mòn đợi chờ trong lo âu khắc khoải. Mười năm đằng đẵng chờ chồng, Hạnh cô độc, gồng mình chống chọi sự hận thù với những lời đay nghiến, rủa xả của anh em nhà  chồng và người dân làng Đông. Chú Xeng nói xanh rờn“Chừng nào con Hạnh còn ở trên đất từ đường thì tai họa còn xảy ra”.

    Hoà bình lập lại, chồng mang vinh quang về ngỡ tưởng sẽ sung sướng nhưng Hạnh lại càng khổ hơn  bởi mãi mà cô chẳng thể có con. Hạnh ngày càng mỏi mòi đi cùng với nỗi  hoang mang lo sợ. Mẹ Nghĩa nhìn Hạnh với đôi mắt lạnh lẽo. Người dân làng Đông cũng không nhìn cô bằng cái nhìn nồng ấm như xưa. Có người còn nói rằng: “Phu nhân đại tá  bị điếc”. Vậy nhưng tất cả mọi người đều không hay biết nguyên nhân việc Hạnh không thể có con xuất phát từ Nghĩa, anh nhiễm chất độc da cam từ những ngày còn ở chiến trường.

    Cuộc hôn nhân đầy mê say của Hạnh đi đến kết thúc khi Nghĩa ngả vào lòng người phụ nữ khác. Ông trời run rủi đẩy Hạnh buộc phải biết mối tình vụng trộm giữa Nghĩa và Thuỷ. Hạnh quay trở về, dứt khoát  li hôn với đầy nỗi cay đắng tủi nhục. Suốt 10 năm đằng đẵng làm vợ Nghĩa, ngày về nhà mẹ đẻ, cô chỉ  có một chiếc rương gỗ cũ kĩ mang đi.  Ngày hai người ra toà, Nghĩa dành lại ba gian nhà mái bằng trên nền từ đường cho Hạnh rồi cùng mẹ lên tỉnh. Hạnh lại tự trách bản thân vì nghĩ rằng Nghĩa vì mình mà bỏ đi.

     

    Bi kịch của cuộc đời Hạnh đâu dừng lại tại đó. Trong đau khổ cùng cực, cô ngã vào vòng tay chú Vạn. Cô mang trong mình giọt máu với Vạn rồi bỏ làng đi biệt tích. Đến cuối cùng cô vẫn phải trở về, ước nguyện sống những ngày bình an còn lại trong cuộc đời. Ngỡ tưởng ông trời sẽ bù đắp lại cho Hạnh vì những đau khổ mất mát cô trải qua, nhưng rốt cuộc, ngày cô trở về, đưa con gái về với cha của nó, thì cũng là ngày con mất bố, chú Vạn vì cùng quẫn, xót xa, xấu hổ đã tự vẫn.  Số phận người phụ nữ đẹp nhất nhì làng Đông chưa một ngày được hạnh phúc trọn vẹn.

    Số phận người phụ nữ đẹp nhất nhì làng Đông chưa một ngày được hạnh phúc trọn vẹn.

    Ở làng Đông còn nhiều cảnh ngộ khác cũng đau khổ như Hạnh. Dâu, cô gái tươi trẻ, mạnh mẽ và cá tính, tưởng cuộc đời sẽ chỉ vang giòn những chuỗi cười vui, nhưng rốt cuộc lại sống cô đơn góa bụa. Ngày ngày Dâu lặng lẽ đi chùa bên những bà già bỏm bẻm nhai trầu. Mụ Hơn từng là cô gái xinh đẹp hát hay nức tiếng ở miền quan họ, về làng Đông làm dâu nhà hào môn chưa được mấy ngày thì bị đấu tố, bố chồng bị bắn chết, chồng cắn lưỡi tự tử, con bị bọn trẻ coi khinh đánh đập. Chiến tranh, những chàng trai sức vóc cường tráng đều ra trận, Thắm – cô gái đẹp rực rỡ của làng Đông, đã lấy Huy, một thợ chụp ảnh thọt chân, nhưng chẳng bao lâu phải vỡ mộng uyên ương vì thói trăng hoa của chồng. Rồi Thắm yêu một chàng pháo thủ. Hòa bình, anh vào Nam biệt tích, không hề biết đêm vụng trộm duy nhất của hai người đã để lại một đứa con…

    Dương Hướng đã khắc họa rất thành công bi kịch của những nhân vật nữ trong Bến không chồng. Bi kịch của những người cả quãng đời thanh xuân bị mưa bom bão đạn vùi lấp, mỏi mòn làm núi Vọng phu ngóng đợi, chờ trông. Nhưng trớ trêu thay, bi kịch cuộc đời họ vẫn nối dài dù bom đạn đã ngừng rơi.

    Một bức tranh buồn về nông thôn Việt Nam

    Trong tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng, người đọc không chỉ thấy những cảnh đời, những số phận con người sau cuộc chiến mà còn có thể hình dung về diện mạo, nếp sống của nông thôn Việt Nam trong thập niên 80, 90.

    Có một thời kỳ mà dân làng muốn bán con trâu phải lên xã xin ông chủ tịch. Ông chủ tịch thì “cầm tờ giấy trên tay mà không nhận ra mình cầm ngược đọc”. Cũng đã có một thời bao số phận điêu đứng vì phong trào cải cách ruộng đất, chia lại ruộng đất nông thôn, xoá bỏ địa chủ, cường hào…Câu chuyện đấu tố gia đình địa chủ Hào được Dương Hướng kể lại vô cùng xót xa.  Dân quân đánh ông địa chủ đến “phọt cứt” để tìm hai mâm đồng còn thiếu. Thằng Công con địa chủ Hào vì thế mà cắn lưỡi tử tự. Trong không khí rầm rộ của cuộc đấu tố, ông chủ tịch nhất định  phải giao cho thằng Thước con cưng của địa chỉ Hào việc xử bắn bố mình, Vạn nhất định phải bắn vào chú Xèng chú Xình để chứng tỏ lập trường giai cấp.

    Sau cuộc đấu tố, có người đã phát điên vì con mình bị xử bắn. Những đứa con của địa chủ phải sống cuộc đời khốn khổ khi bị bạn bè trang lứa đánh đập, coi khinh. Con dâu địa chủ Hào chắp tay xin lạy Vạn giúp đỡ để con bà không bị con của mấy ông bà nông dân đánh đập “con chắp tay lạy ông trăm lần ngàn lần đừng ghét bỏ nó, đừng để các con của ông bà nông dân đánh nó. Con nhìn thấy các ông con của ông bà nông dân đánh nó, xử tội nó mà không dám hé  răng nửa lời. Con sợ ông bà nông dân lại nói con là chống đối giai cấp nghèo khổ. Con xin hứa sẽ nuôi dậy nó thành người nghèo khổ”

    Con nhìn thấy các ông con của ông bà nông dân đánh nó, xử tội nó mà không dám hé  răng nửa lời. Con sợ ông bà nông dân lại nói con là chống đối giai cấp nghèo khổ. Con xin hứa sẽ nuôi dậy nó thành người nghèo khổ”

    Đó là nếp tâm lý, ý thức còn nguyên sự hủ lậu, chưa thể nào thay đổi được trong một xã hội nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Và đó cũng là nguyên cớ cho mọi tai hoạ mà con người phải chịu đựng trong một thời gian dài như một áp đặt của định mệnh, cho đến lúc nhờ vào những gì chuyển giao giữa hai thập nên 80 và 90 mới bừng tỉnh.