Blog

  • Test

    Test

    Test test

  • Sách chiếu bóng – Một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt

    Sách chiếu bóng – Một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt

    Sách chiếu bóng là gì?

    “Sách chiếu bóng – Cinema book – Rạp chiếu phim trong sách” là dòng sách do Đinh Tị Books phát hành. Đây là cuốn sách duy nhất mà trẻ có thể vừa học vừa chơi trong bóng tối. Sách được thiết kế hiện đại, chất lượng tốt nhất với những hình vẽ minh họa đầy sáng tạo trên chất liệu mika. Khi có ánh sáng của đèn pin chiếu vào đổ bóng trên nền tường tạo ra một rạp chiếu phim hấp dẫn và sinh động.

     

    Ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Đinh Tị Books chia sẻ: “Câu chuyện ra đời của sách chiếu bóng xuất phát từ ý tưởng từ những năm tháng khi chúng ta chưa có đèn điện chỉ dùng đèn dầu và bếp củi. Thế hệ của ông bà, cha mẹ ngày đó thường dùng đôi tay của mình để tạo hình thành những con rối, chơi cùng trẻ trước giờ đi ngủ và khi những hình đó đổ bóng trên tường tạo thành một “màn ảnh” rất thú vị trong mắt trẻ.

    Sách chiếu bóng ra đời mang hơi thở đó.  Nghệ thuật tạo hình con rối bằng tay truyền thống đã phần nào được thể hiện trong dòng sách này.

    Những giá trị của sách chiếu bóng

    Dòng sách chiếu bóng 100% do tác giả Việt sáng tác, thiết kế. Với mong muốn là mang tới cho trẻ và các bậc phụ huynh những trải nghiệm tuyệt vời nhất, ý nghĩa nhất, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc Việt

    Quả thực, dòng sách này đã làm tốt hơn so với mục tiêu đề ra. Bởi chỉ với 01 quyển sách cùng chiếc đèn pin nhỏ  mà mỗi buổi tối của con trẻ trở nên lung linh, kỳ diệu với những câu chuyện đầy tính nhân văn. Các em háo hức ngắm nhìn những hình ảnh hiện lên trên bức tường như một thước phim, thoả sức tưởng tượng và từ đây những giá trị giáo dục trong mỗi câu chuyện được nhẹ nhàng đi vào suy nghĩ và tâm hồn con trẻ. Đây thực sự là một giải pháp “vàng” để cả cha mẹ và con cái có thể “cai nghiện” smartphone, taọ hứng thú và khơi nguồn thói quen đọc sách.

    Chắc chắn là mỗi buổi tối lung linh tràn ngập ý nghĩa đó sẽ trở thành những ký ức ngọt ngào khó phai trong lòng con trẻ.

     

  • Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn

    Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn

    Luis Sepúlveda – một nhà văn và phóng viên người Chile là tác giả của cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu  bay”. Đây là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của ông sau cuốn tiểu thuyết “Lão già mê đọc truyện tình” đã xuất bản 18 triệu bản lưu hành toàn thế giới. Ông cũng còn 1 số tác phẩm thiếu nhi khác được khán giả đón nhận nồng nhiệt như cuốn “Chuyện con mèo và con chuột là bạn thân của nó” “Chuyện con chó có tên là Trung Thành”.  Với văn phong trong sáng, hài hước, đầy tinh tế, độc giả có thể cảm nhận được một trái tim khao khát tự do và tình yêu cũng như một tấm lòng quý giá của con người dành cho thiên nhiên và môi trường.

    Yêu thương là tôn trọng sự khác  biệt

    Câu chuyện con mèo mun to đùng mập ú Zorba với cô nàng  hải nâu non bé bỏng được cộng đồng mèo ở bến cảnh Hamburg chăm sóc bảo vệ từ lúc còn trứng nước được kể theo lối hóm hỉnh, phù hợp với tâm lý của các độc giả nhí.  Lucky – con chim hải nâu non lớn nhanh như thổi trong bao bọc, yêu thương của loài mèo. Dù rằng Lucky có những thói quen như một con mèo nhưng rõ ràng, nó hoàn toàn khác biệt, từ bộ lông, đến sở thích hay những khát khao thầm kín trong lòng của một con chim non.

    Điều đặc biệt là, cư xử với sự khác biệt đó, loài mèo đã vô cùng yêu thương và tôn trọng mà không hề đánh giá, phán xét hay khó chịu. Bằng chứng là, chúng đã ngày đêm tìm mọi cách để dạy cho chú chim non cách bay thay vì tạo cho nó thói quen sưởi nắng, bắt chuột như một con mèo. Và loài mèo vui với sự khác biệt đó.

     “Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không nghĩ đến việc biến con trở thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cũng cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến, yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.

    Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến, yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.

    Lý lẽ đó của loài mèo sẽ lay động đến trái tim của từng độc giả. Có lẽ, trên thế giới này, muôn loại được sinh ra cùng cội rễ sâu xa nhất chính là sự hồn nhiên của tình yêu thương. Muôn loài là muôn vàn khác biệt. Nhưng con người chúng ta, vì sự thông thái, tự mãn của mình hay sự hống hách, ngu ngốc của mình đã luôn tự đặt mình vào vô vàn ranh giới, trói buộc mình trong vô vàn giá trị do chính mình vẽ nên để rồi lâm vào quẫn bách và đau khổ.

     

     

     

    Yêu thương là tận tâm chăm sóc và bảo vệ người mình thương

    Chú mèo Zorba đã chăm sóc con chim hải âu nhỏ bằng cả tấm lòng của mình. Hoá ra tình yêu thương có thể khiến một người vụng về và chưa hề có bản năng làm mẹ có thể làm tốt những điều tưởng như không thể. Zorba chăm sóc Lucky từng bữa ăn giấc ngủ, bảo vệ nó khỏi nanh vuốt của những con chuột thô lỗ, những lời chê bai, đả kích của cộng đồng xung quanh.

    Rõ ràng, đó là biểu hiện đầu tiên của tình yêu. Trước khi có thể chấp nhận sự khác biệt, tình yêu phải bắt đầu từ những hành động quan tâm, bảo vệ như vậy. Như bố mẹ luôn chở che cho con trước giông bão cuộc đời, như người thực sự yêu sẽ luôn bảo vệ đối phương trước những va đập của cuộc đời.

    Nếu không thể làm được những điều đó, với sự chân thành và tận tâm – thì làm sao gọi đó là tình yêu?

    Trước khi có thể chấp nhận sự khác biệt, tình yêu phải bắt đầu từ những hành động quan tâm, bảo vệ

    Tầm quan trọng của việc giữ lời hứa

    Lời hứa được tạo ra để làm cho người khác tin tưởng mình. Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn là người có trách nhiệm. Con mèo Zorba dù không nghĩ mình có thể nuôi nấng hay có thể dạy được chú chim hải âu bay nhưng chỉ vì lời đã hứa trong giây phút con chim mẹ lâm chung rằng, “nhất định sẽ dạy con hải âu bay” mà Zorba đã nỗ lực hết mình để làm cho kỳ được. Những lần Zorba định bỏ cuộc, lời hứa lại là động lực.

    Giữ lời hứa không chỉ là thực hiện cam kết mà còn thể hiện phẩm chất một con người. Những người chính trực và trách nhiệm là những người luôn giữ đúng lời hứa của mình. Bởi vậy mà tác giả đã viết rằng : “Mèo Zorba là con mèo tử tế, cao quý, một con mèo của bến cảng”

    Giữ lời hứa không chỉ là thực hiện cam kết mà còn thể hiện phẩm chất một con người. Những người chính trực và trách nhiệm là những người luôn giữ đúng lời hứa của mình.

     

     

  • Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Một cách nhìn về mới về cơn giận

    Tác giả gọi cơn giận sinh ra trong lòng mình bằng hai từ thật đáng yêu: Em bé. Thật khó lòng để giận dỗi một em bé khi em khóc lóc hay không chịu làm theo những điều người lớn mong muốn. Ngược lại, chúng ta đặc biệt vỗ về, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khắc phục để em bé bình tâm và ngon giấc. Cơn giận cũng vậy, nếu chúng được ôm ấp, vỗ về bằng tuệ giác, sự minh triết để tìm ra ngọn ngành của sự việc thì thay vì phiền lòng, đau khổ hay biến ngọn lửa giận dữ đang sôi sục trong lòng mình sang người khác thì ta sẽ lắng lòng lại để suy nghĩ và hành động thấu đáo hơn.

    Hạt muối khi bỏ vào một ly nước có thể biến ly nước đó mặn hơn nhưng nếu ta lấy một nắm muối rắc vào dòng sông, với khối lượng nước lớn như vậy, dòng sông chỉ có thể hòa tan muối chứ nước không thể chuyển sang vị mặn được. Vì vậy, đây chính là cách nhìn bao dung, rộng rãi hơn đối với những sự việc xảy đến không theo ý muốn của ta. Cách nhìn mới thể hiện ở việc, đối với những sự kiện gây tiêu cực, thay vì giận dữ, tránh xa cơn giận của mình, ta hãy thử làm ngược lại, học cách chấp nhận sự việc xảy ra như vốn có của nó và nhìn sự kiện bằng con mắt của yêu thương. Hãy “ôm ấp em bé sân hận” và cố gắng lắng nghe, thấu hiểu được câu chuyện đằng sau đó. Đó mới chính là lời hóa giải cơn giận tốt nhất.

    Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều này? Làm sao để có thể bình tĩnh, thâm chỉ ôm ấp cả cơn giận của mình?

    Thực tập chế ngự – chuyển hóa cơn giận

    Cái hay ở cuốn sách nằm ở chỗ mỗi khi đưa ra vấn đề, tác giả đều chỉ ra nguyên nhân và sau đó là những bài tập thực hành nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Bài tập đầu tiên chính là sự im lặng. Ngay khi lửa giận đang cao trào nhất, có lẽ việc ta nên làm là KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Một điều có vẻ rất vô lý đang lại thật hợp lý, bởi:

    Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết, không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây nên đổ vỡ mà thôi. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.

    Thực tế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một hoặc hơn một lần trải qua cảm giác này và đâu đó cũng đã phải chịu những hậu quả mang lại do cảm xúc, hành động bộc phát của mình trong cơn giận. Trong vô vàn những sứt mẻ đó, có lẽ sợi dây tình cảm mất đi là khó lấy lại và mang đến nhiều tiếc nuối nhất.

    Bài tập thứ hai: hít thở  trong chánh niệm. Cũng là một bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực tập tập trung, đều đặn: “Thở vào tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi”. Làm như một bà mẹ “Thở vào tôi biết con tôi đang khóc, thở ra tôi chăm sóc con tôi”.

    Những bài tập thở, thiền được tác giả nhắc đến rất cụ thể và tỉ mỉ trong cuốn sách để ai cũng thực tập được. Có lẽ, đây cũng chính là nét nổi bật làm cho những tác phẩm mang tư tưởng Phật giáo tưởng chừng khô khan, giáo điều lại nhận được sự đồng cảm của đông đảo người đọc đến vậy. Thiền sư đã từng bước, từng bước gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp của tư tưởng Phật giáo đến với tâm hồn người đọc, để chúng thấm nhuần vào con người ta và cứ thế thực tập biến nó thành tư tưởng, lẽ sống đẹp trong cuộc đời này.

  • Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Tên gọi của cuốn sách cũng chính là tư tưởng xuyên suốt thiền sư muốn gửi tới mọi người. Hiểu một cách đơn giản, đó là quan niệm vạn vật vô thủy – vô chung, nghĩa là không có khởi đầu (không sinh) cũng không có chấm dứt (không diệt). Vì mọi vật không sinh ra cho nên chúng cũng không thể mất đi được, chỉ có sự chuyển hóa, biểu hiện qua lại khác nhau ở từng thời điểm mà thôi.

    Quy luật vô thuỷ vô chung – Không sinh không diệt

    Ta thử hình dung, nước dưới sự tác động của không khí, ánh sáng, bốc hơi bay lên trời thì được gọi là đám mây. Khi nhiều đám mây khác tụ lại, trời tối xầm và bắt đầu mưa thì không còn hình dáng đám mây trên trời nữa, nó đã ẩn mình trong những hạt mưa rơi xuống mặt đất rồi. Như vậy, mây hay mưa thì bản chất vẫn là nước, không phải chúng mất đi mà là ở những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ  hiện hữu trong hình hài khác nhau.

    Tương tự ngọn lửa, bông hoa cũng vậy, chúng vốn có sẵn trong tự nhiên và đang tồn tại ở một dạng thức nào đó, chỉ cần hội tụ đủ  các điều kiện cần có như: khí hậu, nhiệt độ, nước ánh sáng và bàn tay con người, bông hoa sẽ xuất hiện, ánh lửa cũng sẽ bùng lên. Các yếu tố điều kiện này, Người gọi đó là nhân duyên, là những “hạt giống” để vạn vật có điều kiện biểu hiện.

    “Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng rút lui”.

     

    Với cách tư duy này ta thấy rằng, không cần tìm ở đâu xa, không cần một cây đũa  của một vị thần nào cả, cuộc sống quanh ta cũng là đã là một phép nhiệm màu. Chỉ cần ta hội tụ đủ yếu tố nhân duyên, khi ta gieo trồng những điều kiện cần thiết, vạn vật sẽ biểu hiện.

    Hiểu theo cách này thì những người thân yêu của chúng ta cũng vậy, họ không mất đi mà chỉ là họ đang biểu hiện ở một hình thái khác, có thể là trong trái tim, trong kí ức những người yêu thương. Mỗi lần ta nhắc nhớ đến họ, bằng tình cảm, sự yêu thương nồng ấm của ta, họ lại xuất hiện lần nữa nhưng ở một trạng thái khác mà thôi.

    Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều’

    Thực tập nhìn sâu

    Lặp đi lặp lại sau những lần diễn giải về bản chất sự vật, con người, thiền sư luôn nhắc nhở chúng ta một điều, đó là thực tập nhìn sâu để chuyển hóa những nỗi lo lắng sợ hãi của mình. Chúng ta nhìn sâu vào vạn vật để thấy vạn vật không sinh không diệt mà chúng tồn tại trong nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thực tập nhìn sâu giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của sự vật, khi  đó chúng ta nhìn đám mây không chỉ là hình ảnh đơn thuần của chúng ở trên bầu trời nữa mà còn hình hài của nước trên những dòng sông, con suối dưới mặt đất. Chúng ta nhìn thấy được ở bông hoa là bàn tay của người vun trồng, chăm sóc. Đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy trong mình hình dáng của ba mẹ, của tổ tiên bởi chính những thế hệ đi trước đã ươm mầm những hạt giống tốt lành để chúng ta được “biểu hiện” ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta biết trân trọng và sống có trách nhiệm với bản thân hơn, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng đang gieo những hạt giống tốt lành cho thế hệ con cháu mai sau.

     

    Khi hiểu và thực tập nhìn sâu, chúng ta thấy hạnh phúc cũng vậy, nó không ở đâu xa, hạnh phúc cũng đang nằm trong tầm tay ta đấy thôi. Nếu mỗi người chúng ta biết gieo trồng những hạt giống tốt của sự chân thành, tử tế thì một ngày nào đó, những điều mà ta mong, những người mà ta muốn gặp ắt sẽ xuất hiện. Việc chúng ta cần làm là kiên định, cố gắng mỗi ngày để rèn luyện tu dưỡng bản thân thật tốt, toàn diện để khi có cơ hội, những hạt giống mà ta gieo trồng sẽ nở hoa, những bông hoa có sắc có hương, chứ không phải tàn phai theo gió. Giá trị và những điều tốt đẹp của mỗi người sẽ là điều còn mãi ngay cả khi họ  ‘ngừng biểu hiện’.

  • Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Đọc sách là chuyện đơn giản nhất, bỏ ra vốn nhỏ nhưng thu được lời to, ai cũng có thể đọc sách, chỉ cần bạn sẵn sàng, bạn có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

    Đọc sách là một trong số ít những chuyện trong cuộc sống mà chúng ta có thể tự mình kiểm soát và nắm bắt. Cuộc sống thăng trầm, trên thực tế, xét về nhiều mặt, nó đôi khi không được theo ý muốn của chúng ta, nhưng đọc sách thì lại khác, có thể do chính mình quyết định. Bạn có thể đọc nếu bạn muốn, chẳng ai quản bạn.

    Tam Mao, một nhà văn, dịch giả Đài Loan nói: đọc nhiều sách rồi, dung mạo tự nhiên sẽ thay đổi, đôi khi sẽ cảm thấy những cuốn sách mình đọc qua giống như mây khói thoảng qua, không nhớ nhiều về chúng, nhưng chúng thực ra vẫn tiềm tàng bên trong khí chất, trong cách nói chuyện và trong tâm hồn của bạn.

    Vì vậy, khí chất của bạn tiềm ẩn những cuốn sách mà bạn từng đọc qua.

    01

    Người kiên trì đọc sách, tính cách sẽ trở nên ôn hòa hơn

    Nhà văn, phóng viên Chai Jing trong cuốn sách mang tên “Nhìn thấy” kể một câu chuyện như này: có một lần cô ấy đi phỏng vấn ông chủ của một doanh nghiệp lớn, câu hỏi mà cô đặt ra vô cùng sắc bén và nhạy cảm, cách đặt vấn đề của cô cũng có phần hấp tấp, quyết liệt, thậm chí hơi lỗ mãng.

    Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, vị doanh nhân đã nói với Chai Jing rằng: cô rất thông minh, có quan điểm của mình, nhưng lại không vững, có một cảm giác rất hấp tấp, kiểu “tuổi trẻ bồng bột”, cô có thể cân bằng lại bản thân thông qua đọc sách.

    Tôi tin rằng những lời khuyên mà vị doanh nhân đó dành cho Chai Jing là vô cùng chân thành, bởi lẽ ông ấy thấy được sự nhiệt huyết của một phóng viên đang đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Về phần Chai Jing, cô có thể đem câu chuyện này viết vào trong sách của mình, điều đó có nghĩa là cô ấy cũng đồng ý và tiếp nhận lời khuyên này.

    Người bốc đồng, hấp tấp, vội vàng, nên đọc nhiều sách hơn, kiên trì đọc sách sẽ làm dịu bớt sự nóng nảy trong tính cách của mình. Có thể bạn sẽ không nhận ra được những thay đổi một cách nhanh chóng, nhưng lâu dần, một ngày nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn thói quen đọc sách này của mình.

    02

    Người kiên trì đọc sách, nhìn vấn đề sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn

    Đọc câu chuyện của người khác, rồi ngẫm về cuộc đời mình, nhiều khi bạn sẽ nhận ra được sự phản chiếu trong đó. Hàng trăm năm trước, trạng thái tâm lý của nhân vật, suy nghĩ về cuộc sống của họ trong những hoàn cảnh nhất định, sự hoảng sợ và vật lộn đối mặt với cuộc sống, thực ra cũng không khác nhiều so với người hiện đại khi đối mặt với cuộc sống của chính họ ngày nay. Nói cách khác, bản chất con người không thay đổi nhiều.

    Những người đọc sách lịch sử có thể cảm thấy sâu sắc hơn. Sự thăng trầm của thế giới, dòng chảy, thời gian, không gian khác nhau, nhưng luôn có chung một câu chuyện. Các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục thực hiện các quy tắc và trò chơi tương tự lặp đi lặp lại.

    Vì vậy, khi bạn đọc nhiều những thứ như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng hiện thực cuộc sống có thể sẽ không lệch khỏi phương hướng mà nó nên đi. Nếu bạn tham khảo, bạn có lẽ sẽ ngộ ra được lộ trình hoặc quỹ đạo trong sự phát triển của một sự vật nào đó.

    Người kiên trì đọc sách sẽ “ngắm” được rất nhiều thứ, vì vậy, khi bạn suy ngẫm về cuộc sống của mình, rồi xem xem câu chuyện của những người xung quanh, bạn sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn. Bạn sẽ không còn quá cho mình là nhất hay quá tự ti về bản thân. Bạn sẽ dùng một ánh mắt sắc bén, một cái nhìn đa chiều hơn để quan sát cuộc sống, từ đó sống một cuộc sống phong phú và trọn vẹn hơn.

    03

    Người kiên trì đọc sách, tâm thái sẽ trở nên nhã nhặn, phóng khoáng hơn

    Một nhà Nho nói: khí chất của con người, rất khó thay đổi, chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi được nó.

    Đọc sách có thể giúp ai đó thay đổi từ một người thích tranh luận, để tâm quá nhiều, thậm chí là bảo thủ thành một người rộng rãi linh hoạt, nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn.

    Đọc sách là quá trình học hỏi và tham khảo tư tưởng cũng như trải nghiệm của người khác, đó cũng được xem là kinh nghiệm sống. Khi bạn có nhiều thông tin trong đầu, bạn sẽ có nhiều tài liệu tham khảo hơn, và khi tình huống tương tự xảy ra, bạn sẽ có thể tìm ra được một gợi ý để giải quyết vấn đề.

    Đọc sách thực chất là nói chuyện với những con người thông minh và cao thượng. Sách là nhịp cầu vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, gắn kết những con người không liên quan, những con người khiêm tốn và những con người vĩ đại lại với nhau để họ cùng nhau giao lưu, tâm sự về cuộc sống. Càng đọc nhiều sách, chúng ta sẽ càng bớt bối rối về tinh thần, mở rộng tầm nhìn và mở rộng cả tâm hồn.

    Tôi thường xuyên cho rằng đọc sách là một việc giống như kiểu “há miệng chờ sung” vậy, là một việc quá hời cho người đọc, bởi lẽ chúng ta có thể đọc được sự kết tinh của trí tuệ của người khác mà không cần bỏ ra thời gian suy nghĩ, viết lách, chỉnh sửa hay in ấn…

    Khi cô đơn, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy cô độc.

    Khi trống rỗng, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy muộn phiền.

    Khi buồn bã, đọc sách khiến tôi giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

    Khi bi quan, đọc sách khiến tôi phấn chấn lại tinh thần…

    Nguồn Internet, tác giả Hân Vũ

  • Có một đường mòn trên biển Đông

    Có một đường mòn trên biển Đông

    Những con người bình thường vĩ đại

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

    Chiến tranh kết thúc, dấu tích của con đường huyền thoại cũng chìm sâu trong mặt biển mênh mông, câm lặng. Nhà văn Nguyên Ngọc với ngòi bút giàu tình cảm, đã kể lại cho người đọc hành trình đi tìm lại những con người từng góp công sức lớn lao xây dựng nên con đường mòn trên biển – những con người anh dũng, quả cảm, trí tuệ, tài năng mà chưa một lần được sử sách ghi danh hay có chăng chỉ là dòng chữ ngắn ngủi.

    Giai đoạn mở đường với nhiệm vụ: phải đi khảo sát vùng bờ biển Bà Rịa, tìm nơi lập bến, cho người ra Bắc đón tàu dẫn súng đạn về. Có những con người, như đồng chí Dương Quang Đông – một người lính vô danh của một tiểu đội vô danh, đói khát, len lỏi tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Chính đồng chí là người đã đưa ra ý tưởng táo bạo – bố trí một bến đón bí mật từ cửa sông Ray – ngay sát căn cứ của địch. Ý tưởng này cùng những chuyến đi sinh tử sau đó đã góp phần khai thông con đường huyền thoại nhưng trong cuốn dự thảo Lịch sử lữ đoàn Hải quân 125, tên của đồng chí Dương Quang Đông chưa một lần được nhắc đến.

    Câu chuyện về má Mười Rìu – một người phụ nữ kì lạ, với 10 đồng bạc mà dựng nên cơ nghiệp cho cách mạng. Má có thể mua một chiếc thuyền sáu tấn có máy đẩy Yama, một giàn lưới lớn, mấy tấn xăng dầu, hàng chục tấn gạo để phục vụ cho những cán bộ cách mạng trong những ngày mở đường gian khó…Không chỉ có 2 con người đó, hàng trăm, hàng ngàn con người ngày đêm âm thầm mà sôi nổi, ngày đêm mưu tính ngược xuôi để cuối cùng con đường mòn trên biển đã được khai thông với cả một mạng lưới các bến liên hoàn từ Bà Rịa đến Cà Mau.

    Tiếp sau giai đoạn mở đường là giai đoạn mà con đường trên biển đi vào hoạt động chính thức trong sự bí mật tuyệt đối. Nhưng rồi với sự kiện Vũng Rô – chấm dứt giai đoạn hoàn toàn bí mật này để chuyến sang giai đoạn mới. Đoàn tàu vận chuyển hàng hoá phải hoạt động công khai trước  sự kìm kẹp gắt gao của kẻ thù. Nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm ra những con người, những số phận âm thầm vô danh mà sự đóng góp của họ lại vô cùng vĩ đại. Cả đoàn thuỷ thủ hàng chục người sẵn sàng “quên sinh” để kẻ thù không thể lần tìm ra manh mối của những con tàu không số, những người phụ nữ hy sinh đời mình sống trong cô độc thậm chí miệt thị của người khác để giữ vững sự bí mật của danh tính những chiến sỹ đoàn tàu không số….Còn biết bao số phận khác cũng như vậy – đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    Đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    “Sự bình thường chỉ có ở những người trong sáng”

    Những con người hiển hách, góp công sức lớn lao cho cách mạng như vậy, khi chiến tranh kết thúc họ lại trở về làm một người bình thường. Với những gì đã hy sinh có mấy ai dễ dàng chấp nhận sống một cuộc đời bình thường như thế . Má Mười Rìu – bà má huyền thoại quay trở về làm người đàn bà sống bên làng chài ven biển, bán vô số thứ vật dụng linh tinh, lộn xộn, không tên. Đồng chí Dương Quang Đông cũng vậy, trở về cuộc sống đời thường là một cụ già giản dị, chậm rãi mang đậm dáng dấp của người “công nhân Ba Son”… Họ là những con người chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc mà không mưu cầu bất kỳ danh lợi gì, không mong được đền ơn, không mong được trả lại…Lý lẽ của họ đơn giản chỉ là : “Rồi xương máu của anh em ai trả”. Có phải  những con người với phẩm chất thật khó để tìm thấy trong cuộc sống hôm nay. Khi trong chúng ta vô số người kiêu ngạo, háo danh, tưởng mình là cái rốn của vũ trụ khi trong tay mới có chút thành tựu.

    “Có một đường mòn trên biển Đông” không chỉ đem đến cho người đọc hình dung về lịch sử tuyến đường trên biển chi viện vũ khí lực lượng cho chiến trường Nam mà còn một lần nhắc nhớ chúng ta về gía trị cốt lõi trong đời sống con người. Sống một cuộc sống bình thường vốn đã là  điều tốt đẹp. Bởi lẽ, cũng như nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: “Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng”.

    Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng

     

     

  • Hiểu về trái tim

    Hiểu về trái tim

    Trái tim không chỉ là sự sống, nó còn là biểu tượng cho tâm hồn mỗi con người. Một tâm hồn chứa đựng mọi hỉ – nộ – ái – ố của cuộc đời. Trong tác phẩm của mình, tác giả chia thành khá nhiều chương, các chương được song hành theo cặp, như: hạnh phúc – khổ đau, ghen tuông – tha thứ, che đậy – thành thật, tuyệt vọng – niềm tin… Các cặp phạm trù đó khi thì đối lập, khi thì bổ sung cho nhau. Điều đặc biệt là trong cuốn sách tác giả không quá tập trung vào giải pháp như những cuốn sách hiện thời mà ta có thể bắt gặp đâu đó với tiêu đề như: “Làm thế nào để..,” hay “ Những nguyên tắc để…”. Tác giả tập trung vào cắt nghĩa tầng lớp, nguồn cơn của mỗi loại cảm xúc hay tư tưởng mà trong xã hội hiện đại với nhịp sống bộn bề, chúng ta vì vô tình hay hữu ý thường không cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng. Hay nói cách khác là muốn giải quyết được vấn đề tận gốc, điều đầu tiên và cực kỳ quan trọng tác giả muốn gửi gắm chính là phải tìm hiểu được nguyên nhân sinh ra vấn đề. Nhân nào quả nấy – triết lý nhà Phật được ứng dụng một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

     

    Trong cuộc sống, có những sự việc nhìn vậy nhưng chưa chắc là đã vậy. Đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đó là câu nói mà ông bà ta để lại để khuyên nhau đừng nhìn sự vật một cách phiếm diện, bề ngoài. Còn thiền sư gợi ý cho chúng ta một cách nhìn mới để hiểu mình, hiểu người. Đó chính là lắng nghe. Xin lưu ý, tác giả dùng từ ở đây chính là “lắng nghe”. “Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề.” Một quan niệm hay, đáng để suy ngẫm. Lắng lòng một chút, nhớ lại xem, bản thân mình đã thực sự lắng nghe trái tim, lắng nghe người khác đúng nghĩa hay chưa?

    Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề. 

    Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, thiền sư đúc kết rằng “Chỉ cần hiểu câu chuyện của trái tim, tự khác mỗi người sẽ quyết định được câu chuyện của chính mình”. Thấu hiểu rằng mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc bản, hạnh phúc hay khổ đau trong cảm nhận tâm can của mỗi người là không giống nhau. Chính ta, chứ không phải một ai khác mới là người đang trải qua những vận hạnh của mình. Và nếu như, ta có một nội tâm trong lành, một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn thì ắt hẳn sẽ nhìn thấu được bản chất, thích ứng với thời cuộc. Câu trả lời không ở đâu xa, đáp án nằm trong một trái tim hiểu biết, sáng suốt. Từ đó, ta cũng hiểu rằng:

                 “Không thể cầu cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng ta có thể nguyện cho mình không bị gục ngã trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ trái tim”.

  • Đừng chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt

    Đừng chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt

    Người ta thường nói ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, bởi thông qua ánh mắt, chúng ta được nhìn ngắm thế giới đầy màu sắc. Ánh mắt khi vui thường mở to, lấp lánh làm cho khuôn mặt trở nên rạng rỡ, ánh mắt lúc buồn thường cúi xuống, né tránh, khuôn mặt cũng vì thế mà lộ rõ vẻ mệt mỏi, u sầu. Vì thế, cách nhanh nhất để nhìn rõ vạn vật và hiểu được tâm trạng của một người là thông qua ánh mắt của họ. Thế nhưng, bạn đã thử làm điều ngược lại, chẳng hạn:

    “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét”.

    Bạn đã thử trò chơi này chưa? Và cảm nhận của bạn thế nào? Còn cậu bé 10 tuổi Trí Dũng trong tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” thì tỏ ra thích thú vô cùng. Cậu đã vận dụng tất cả những giác quan còn lại, bao gồm cảm nhận của trái tim để tìm ra được đáp án thật chính xác. Vạn vật thì vô cùng, trò chơi nhắm mắt đoán sự vật của cậu cũng vì thế mà ngày một thú vị.

    Phải chăng, khi chúng mình nhắm mắt nhưng tâm hồn chúng mình rộng mở thì ắt hẳn sẽ nhìn thấy được mọi điều, thậm chí ở những điều nếu chỉ nhìn bằng đôi mắt thông thường sẽ chẳng bao giờ thấy được. Bởi có lẽ “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy được”.

    Bởi có lẽ “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy được”.

    Nhắm mắt lại, chúng mình hiểu rằng cái tên sẽ không đơn thuần chỉ là tên gọi phân biệt người này với người kia bởi “Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn”. Trí Dũng chính là cái tên mà bố mẹ gửi gắm cho cậu bé của mình, mong rằng sau này con sẽ trở thành một người lớn thông minh và thật mạnh mẽ. Còn tên của bạn nghĩa là gì?

    Chúng mình hiểu rằng “Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình”. Bạn đã thử quan sát chưa?

    Chúng mình hiểu rằng “Khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn.”. Bạn có đồng tình với quan niệm này không?

    Và còn rất nhiều câu chuyện, bài học được rút ra từ mỗi chương sách qua lời kể, tóm tắt đáng yêu của cậu bé Trí Dũng đang chờ bạn đọc khám phá và chiêm nghiệm. Gấp cuốn sách lại, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đặt ra câu hỏi liệu rằng trong cuộc sống bộn bề hiện đại, bạn đã nhìn nhận cuộc sống, mọi vật bằng đôi mắt hay trái tim, liệu rằng bạn có bỏ lỡ điều gì và muốn tìm lại không?

    Liệu rằng trong cuộc sống bộn bề hiện đại, bạn đã nhìn nhận cuộc sống, mọi vật bằng đôi mắt hay trái tim, liệu rằng bạn có bỏ lỡ điều gì và muốn tìm lại không?

     

     

     

     

     

     

  • Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng

    Khi bị phản bội, ai cũng sẽ cảm thấy cay đắng và mất niềm tin. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta sẽ đối mặt như thế nào? Có người sẽ tự làm lành vết thương rồi đứng dậy mà bước tiếp. Nhưng cũng có người lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng và trở nên…hận đời.  Nhân vật người cha trong “Cánh đồng bất tận” là một trường hợp điển hình như vậy.

    Cha của Điền và Nương vốn là một người đàn ông nồng ấm, yêu thương vợ bằng những cử chỉ thật thà. Vậy nhưng từ ngày vợ bỏ đi theo một người đàn ông buôn lụa trên bến ghe, con người ấy như đã chết. Thay vào đó là một người đàn ông lặng lẽ, cay nghiệt. Sáng sớm ông vẫn thường đánh hai đứa nhỏ vì hoang hoải, vì chán chường và cũng vì con bé Nương nó vô tình giống mẹ đến lạ lùng. Lâu dần rồi ông cũng không thèm đánh nữa. Lòng ông lạnh lẽo và bỏ mặc hai đứa con, mặc cho chúng đói khát, cô đơn, thất học hay hiểm nguy rình rập. Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Rồi người đàn ông đó tìm cách làm đau phụ nữ để xoa dịu nỗi đau của chính mình. Ông khiến người ta mến thương rồi hy vọng. Những ai đánh đổi gia đình, đi theo ông và hai đứa nhỏ, sẽ bị bỏ rơi theo cách bẽ bàng và tủi hổ nhất. Như người đàn bà ở Bàu Sen chẳng hạn. Chị đã bỏ lại đứa con thơ, xóm làng, ngôi nhà, vườn tược…gần như là tất cả để theo ba cha con nhưng rồi sau một đoạn đường, người đàn ông đó bảo chị lên bờ mua một ít củ cải muối mà đạp ghe đi mất với nụ cười làm hai đứa nhỏ không bao giờ quên được. “Đó là cái cười vừa dữ dội, vừa đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã.”…Đó không phải là người đàn bà duy nhất mà người đàn ông đó bỏ lại.

    Trong khi người cha mải miết chạy trốn chạy nỗi đau bị phản bội thì hành trình đó lại mang đến cho hai đứa trẻ những nỗi đau bất tận. Chúng đã lớn lên mà không tình yêu thương, không bè bạn, không sự sẻ chia. Chúng có lúc đã khao khát đến vô vọng tiếng người và một cuộc sống…bình thường. Dần dà chúng trở nên lập dị mà người cha chỉ hay biết nỗi đau của đời mình.

    Nguyễn Ngọc Tư đã thành công khi kể về cuộc sống lênh đênh, nghèo nàn, hiu quạnh của ba cha con trên một chiếc thuyền. Cuộc sống đó ám ảnh người đọc, lấy đi nước mắt của người đọc và cũng để một lần nhắc nhớ người đọc rằng: mỗi quyết định của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ như thế nào. Người lớn có những nỗi đau có thể không bao giờ lành miệng, nhưng không thể, không được phép bắt con trẻ phải cùng mình gồng gánh những nỗi đau đó. Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta. Bởi lẽ, “không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh” mà thôi.

    Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta.

    Quy luật nhân quả

    Một quy luật của cuộc sống là, dần dà, rồi chúng ta sẽ phải trả giá một cách đầy đủ cho từng lỗi lầm, từng hành động sai trái và sẽ được đền đáp một cách xứng đáng cho mọi cố gắng và mọi việc làm tốt đẹp của mình. Người đàn ông đó đã phải trả giá vì những nỗi đau mình gây ra cho những người phụ nữ vô tội bằng cuộc sống đắm chìm trong sự tuyệt vọng mãi mãi, không thể thoát ra khỏi niềm đau. Người cha đó đã phải trả giá vì đã huỷ hoại cuộc đời hai đứa trẻ bằng việc mãi mãi mất đi đứa con trai giàu tình cảm, mà đau đến sững sờ khi nhận ra, con gái rơi vào hoàn cảnh hiểm nguy cũng không cầu cứu cha mình.

    Trời đất đã trừng phạt người cha đó bằng một hình phạt đớn đau đến tận cùng. Đó là những thằng thanh niên mạt hạng, giữ ông đúng một tư thế, bắt ông phải chứng kiến cảnh chúng thay nhau hãm hiếp con gái ông. Lúc đó đôi mắt ông ầng ậc nước thì cũng còn có nghĩa lý gì đâu?

    Cuộc đời cũng đã cho một đứa trẻ kịp hiểu rằng, mình chính là nguyên nhân khiến mẹ bỏ đi, khiến cho tai ương ập đến với gia đình. Nhưng phải chính lúc Nương bị đám thanh niên hãm hiếp thì em mới nhận ra rằng, suy nghĩ lâu nay của em về mẹ, rằng mẹ bỏ nhà theo trai, rằng hình ảnh em tận mắt chứng kiến mẹ với người đàn ông bán lụa trần trụi với nhau không như những gì em nghĩ. Phải khi chính em bị đày đoạ thân xác, lúc đó em mới hiểu ra rằng “cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó”.

    Cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó

    “Cánh đồng bất tận” đã khép lại như vậy, để lại trong lòng người đọc những nỗi buồn mênh mông, về cuộc đời, về con người, về gia đình, tình cảm cha con, mẹ con.  Hơn hết, “cánh đồng bất tận” sẽ nhắc nhớ chúng ta về quy luật nhân quả sớm muộn, sẽ đến với tất cả mọi người trong hành trình của cuộc đời mình.