Ông Thuấn là tướng về hưu. Dù tốt bụng và nồng hậu nhưng chỉ 01 năm sau khi rời quân ngũ, cuộc sống mới đã làm ông bạc tóc nhanh hơn cả cuộc đời chinh chiến của mình. Bởi lẽ thực tế là những điều có chết ông cũng chưa bao giờ hình dung ra. Trở về nhà mình, ông day dứt lương tâm khi thấy các con cho mẹ già lại lẫn ăn riêng ở riêng. Ông xót thương nhìn cảnh ông Cơ, cô Lài – những người dù mang tiếng được cưu mang nhưng về nhà ông lại phải làm không hết việc. Ông phẫn nộ khi chứng kiến cảnh Thuỷ – con dâu mang những nhau thai nhi, bỏ vào phích nước, đem về nấu cám cho chó ăn. Điều đáng nói ở đây là, trước tất cả những điều ông bất bình đó thì những người xung quanh ông lại cho rằng mọi việc là bình thường. Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.
Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.
Nguyễn Huy Thiệp đã đề cập đến một vấn đề quan trọng của tâm lý con người thời kỳ quá độ. Nếu trong những ngày bao cấp, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, con người sống với nhau trọn vẹn nghĩa tình, không so đo tính toán, đề cao giá trị chung và phấn đấu cho lý tưởng, thì giờ đây, khi bước sang một kỷ nguyên mới, giá trị con người đề cao là tiền bạc, vật chất. Cuộc sống bởi vậy có lúc trở nên thật khủng khiếp. Và đương nhiên, những người tốt nhưng xưa cũ như tướng Thuấn về hưu sao có thể hoà nhập. Ông đau khổ, lạc lõng và cuộc đời trôi dài trong bi kịch.
Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của ông tướng về hưu đó là sự bất lực đến nhu nhược. Nếu trước đây ông có thể chỉ huy cả trung đoàn tiến quân ra trận, lời nói của ông tựa như thiên lệnh, hàng nghìn người răm rắp nghe theo, thì bây giờ, điều ông có thể làm chỉ là thở dài. Mạnh mẽ hơn là gào lên phẫn nộ. Ông bất lực trước cuộc sống kim tiền, đau khổ khi nhận thấy mình lạc loài trong cuộc sống mới. Ông làm được gì để thay đổi cuộc sống hôm nay?
Có lẽ những người sinh ra từ cuộc chiến, trưởng thành trong đạn bom chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc từ trong đó. Ngày nhận được giấy báo của đơn vị rằng cần ông trong trận chiến, ông như trẻ lại, cuộc sống như được hồi sinh. Có lẽ sự hy sinh của ông sau đó cũng là một kết cục tốt đẹp mà tác giả muốn dành cho con người tử tế nồng hậu nhưng lạc thời như trung tướng Nguyễn Thuấn.
Trong tác phẩm “Tướng về hưu” tác giả khẳng định một chân lý vẫn là: “Không một ai là hoàn toàn xấu và cũng không có ai là tốt hoàn toàn”. Ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ, theo dõi kỹ, ta vẫn cảm nhận được không ít điều hay lẽ phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có. Nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) có nói: “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen”. Nguyễn Huy Thiệp khi viết về những con người “lỗ mãng, táo tơn, làm đủ điều phi nhân bất nghĩa”, tác giả vẫn dành cho họ những lời thông cảm… “ Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Lão Bổng dù vô liêm sỉ nhưng cũng biết rung động trước cái đẹp và đặc biệt là còn biết nhục. Khi người chị hấp hối bị lẫn không gọi được tên ông, chỉ nói được ông “là người” thì ông oà lên khóc: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng này gọi em là đố chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn, chỉ có chị gọi em là người”. Những kẻ vô liêm sỉ dẫu sao vẫn còn biết nhục và còn biết thổn thức khi được tôn trọng. Đây chính là cái nhìn đầy triù mến và bao dung với những phận người rẻ mạt.
“Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen.