Author: Quỳnh Hoa

  • Sách chiếu bóng – Một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt

    Sách chiếu bóng – Một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt

    Sách chiếu bóng là gì?

    “Sách chiếu bóng – Cinema book – Rạp chiếu phim trong sách” là dòng sách do Đinh Tị Books phát hành. Đây là cuốn sách duy nhất mà trẻ có thể vừa học vừa chơi trong bóng tối. Sách được thiết kế hiện đại, chất lượng tốt nhất với những hình vẽ minh họa đầy sáng tạo trên chất liệu mika. Khi có ánh sáng của đèn pin chiếu vào đổ bóng trên nền tường tạo ra một rạp chiếu phim hấp dẫn và sinh động.

     

    Ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Đinh Tị Books chia sẻ: “Câu chuyện ra đời của sách chiếu bóng xuất phát từ ý tưởng từ những năm tháng khi chúng ta chưa có đèn điện chỉ dùng đèn dầu và bếp củi. Thế hệ của ông bà, cha mẹ ngày đó thường dùng đôi tay của mình để tạo hình thành những con rối, chơi cùng trẻ trước giờ đi ngủ và khi những hình đó đổ bóng trên tường tạo thành một “màn ảnh” rất thú vị trong mắt trẻ.

    Sách chiếu bóng ra đời mang hơi thở đó.  Nghệ thuật tạo hình con rối bằng tay truyền thống đã phần nào được thể hiện trong dòng sách này.

    Những giá trị của sách chiếu bóng

    Dòng sách chiếu bóng 100% do tác giả Việt sáng tác, thiết kế. Với mong muốn là mang tới cho trẻ và các bậc phụ huynh những trải nghiệm tuyệt vời nhất, ý nghĩa nhất, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc Việt

    Quả thực, dòng sách này đã làm tốt hơn so với mục tiêu đề ra. Bởi chỉ với 01 quyển sách cùng chiếc đèn pin nhỏ  mà mỗi buổi tối của con trẻ trở nên lung linh, kỳ diệu với những câu chuyện đầy tính nhân văn. Các em háo hức ngắm nhìn những hình ảnh hiện lên trên bức tường như một thước phim, thoả sức tưởng tượng và từ đây những giá trị giáo dục trong mỗi câu chuyện được nhẹ nhàng đi vào suy nghĩ và tâm hồn con trẻ. Đây thực sự là một giải pháp “vàng” để cả cha mẹ và con cái có thể “cai nghiện” smartphone, taọ hứng thú và khơi nguồn thói quen đọc sách.

    Chắc chắn là mỗi buổi tối lung linh tràn ngập ý nghĩa đó sẽ trở thành những ký ức ngọt ngào khó phai trong lòng con trẻ.

     

  • Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn

    Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn

    Luis Sepúlveda – một nhà văn và phóng viên người Chile là tác giả của cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu  bay”. Đây là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của ông sau cuốn tiểu thuyết “Lão già mê đọc truyện tình” đã xuất bản 18 triệu bản lưu hành toàn thế giới. Ông cũng còn 1 số tác phẩm thiếu nhi khác được khán giả đón nhận nồng nhiệt như cuốn “Chuyện con mèo và con chuột là bạn thân của nó” “Chuyện con chó có tên là Trung Thành”.  Với văn phong trong sáng, hài hước, đầy tinh tế, độc giả có thể cảm nhận được một trái tim khao khát tự do và tình yêu cũng như một tấm lòng quý giá của con người dành cho thiên nhiên và môi trường.

    Yêu thương là tôn trọng sự khác  biệt

    Câu chuyện con mèo mun to đùng mập ú Zorba với cô nàng  hải nâu non bé bỏng được cộng đồng mèo ở bến cảnh Hamburg chăm sóc bảo vệ từ lúc còn trứng nước được kể theo lối hóm hỉnh, phù hợp với tâm lý của các độc giả nhí.  Lucky – con chim hải nâu non lớn nhanh như thổi trong bao bọc, yêu thương của loài mèo. Dù rằng Lucky có những thói quen như một con mèo nhưng rõ ràng, nó hoàn toàn khác biệt, từ bộ lông, đến sở thích hay những khát khao thầm kín trong lòng của một con chim non.

    Điều đặc biệt là, cư xử với sự khác biệt đó, loài mèo đã vô cùng yêu thương và tôn trọng mà không hề đánh giá, phán xét hay khó chịu. Bằng chứng là, chúng đã ngày đêm tìm mọi cách để dạy cho chú chim non cách bay thay vì tạo cho nó thói quen sưởi nắng, bắt chuột như một con mèo. Và loài mèo vui với sự khác biệt đó.

     “Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không nghĩ đến việc biến con trở thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cũng cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến, yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.

    Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến, yêu thương một kẻ không giống chúng ta. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương ai đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.

    Lý lẽ đó của loài mèo sẽ lay động đến trái tim của từng độc giả. Có lẽ, trên thế giới này, muôn loại được sinh ra cùng cội rễ sâu xa nhất chính là sự hồn nhiên của tình yêu thương. Muôn loài là muôn vàn khác biệt. Nhưng con người chúng ta, vì sự thông thái, tự mãn của mình hay sự hống hách, ngu ngốc của mình đã luôn tự đặt mình vào vô vàn ranh giới, trói buộc mình trong vô vàn giá trị do chính mình vẽ nên để rồi lâm vào quẫn bách và đau khổ.

     

     

     

    Yêu thương là tận tâm chăm sóc và bảo vệ người mình thương

    Chú mèo Zorba đã chăm sóc con chim hải âu nhỏ bằng cả tấm lòng của mình. Hoá ra tình yêu thương có thể khiến một người vụng về và chưa hề có bản năng làm mẹ có thể làm tốt những điều tưởng như không thể. Zorba chăm sóc Lucky từng bữa ăn giấc ngủ, bảo vệ nó khỏi nanh vuốt của những con chuột thô lỗ, những lời chê bai, đả kích của cộng đồng xung quanh.

    Rõ ràng, đó là biểu hiện đầu tiên của tình yêu. Trước khi có thể chấp nhận sự khác biệt, tình yêu phải bắt đầu từ những hành động quan tâm, bảo vệ như vậy. Như bố mẹ luôn chở che cho con trước giông bão cuộc đời, như người thực sự yêu sẽ luôn bảo vệ đối phương trước những va đập của cuộc đời.

    Nếu không thể làm được những điều đó, với sự chân thành và tận tâm – thì làm sao gọi đó là tình yêu?

    Trước khi có thể chấp nhận sự khác biệt, tình yêu phải bắt đầu từ những hành động quan tâm, bảo vệ

    Tầm quan trọng của việc giữ lời hứa

    Lời hứa được tạo ra để làm cho người khác tin tưởng mình. Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn là người có trách nhiệm. Con mèo Zorba dù không nghĩ mình có thể nuôi nấng hay có thể dạy được chú chim hải âu bay nhưng chỉ vì lời đã hứa trong giây phút con chim mẹ lâm chung rằng, “nhất định sẽ dạy con hải âu bay” mà Zorba đã nỗ lực hết mình để làm cho kỳ được. Những lần Zorba định bỏ cuộc, lời hứa lại là động lực.

    Giữ lời hứa không chỉ là thực hiện cam kết mà còn thể hiện phẩm chất một con người. Những người chính trực và trách nhiệm là những người luôn giữ đúng lời hứa của mình. Bởi vậy mà tác giả đã viết rằng : “Mèo Zorba là con mèo tử tế, cao quý, một con mèo của bến cảng”

    Giữ lời hứa không chỉ là thực hiện cam kết mà còn thể hiện phẩm chất một con người. Những người chính trực và trách nhiệm là những người luôn giữ đúng lời hứa của mình.

     

     

  • Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Đọc sách là chuyện đơn giản nhất, bỏ ra vốn nhỏ nhưng thu được lời to, ai cũng có thể đọc sách, chỉ cần bạn sẵn sàng, bạn có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

    Đọc sách là một trong số ít những chuyện trong cuộc sống mà chúng ta có thể tự mình kiểm soát và nắm bắt. Cuộc sống thăng trầm, trên thực tế, xét về nhiều mặt, nó đôi khi không được theo ý muốn của chúng ta, nhưng đọc sách thì lại khác, có thể do chính mình quyết định. Bạn có thể đọc nếu bạn muốn, chẳng ai quản bạn.

    Tam Mao, một nhà văn, dịch giả Đài Loan nói: đọc nhiều sách rồi, dung mạo tự nhiên sẽ thay đổi, đôi khi sẽ cảm thấy những cuốn sách mình đọc qua giống như mây khói thoảng qua, không nhớ nhiều về chúng, nhưng chúng thực ra vẫn tiềm tàng bên trong khí chất, trong cách nói chuyện và trong tâm hồn của bạn.

    Vì vậy, khí chất của bạn tiềm ẩn những cuốn sách mà bạn từng đọc qua.

    01

    Người kiên trì đọc sách, tính cách sẽ trở nên ôn hòa hơn

    Nhà văn, phóng viên Chai Jing trong cuốn sách mang tên “Nhìn thấy” kể một câu chuyện như này: có một lần cô ấy đi phỏng vấn ông chủ của một doanh nghiệp lớn, câu hỏi mà cô đặt ra vô cùng sắc bén và nhạy cảm, cách đặt vấn đề của cô cũng có phần hấp tấp, quyết liệt, thậm chí hơi lỗ mãng.

    Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, vị doanh nhân đã nói với Chai Jing rằng: cô rất thông minh, có quan điểm của mình, nhưng lại không vững, có một cảm giác rất hấp tấp, kiểu “tuổi trẻ bồng bột”, cô có thể cân bằng lại bản thân thông qua đọc sách.

    Tôi tin rằng những lời khuyên mà vị doanh nhân đó dành cho Chai Jing là vô cùng chân thành, bởi lẽ ông ấy thấy được sự nhiệt huyết của một phóng viên đang đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Về phần Chai Jing, cô có thể đem câu chuyện này viết vào trong sách của mình, điều đó có nghĩa là cô ấy cũng đồng ý và tiếp nhận lời khuyên này.

    Người bốc đồng, hấp tấp, vội vàng, nên đọc nhiều sách hơn, kiên trì đọc sách sẽ làm dịu bớt sự nóng nảy trong tính cách của mình. Có thể bạn sẽ không nhận ra được những thay đổi một cách nhanh chóng, nhưng lâu dần, một ngày nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn thói quen đọc sách này của mình.

    02

    Người kiên trì đọc sách, nhìn vấn đề sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn

    Đọc câu chuyện của người khác, rồi ngẫm về cuộc đời mình, nhiều khi bạn sẽ nhận ra được sự phản chiếu trong đó. Hàng trăm năm trước, trạng thái tâm lý của nhân vật, suy nghĩ về cuộc sống của họ trong những hoàn cảnh nhất định, sự hoảng sợ và vật lộn đối mặt với cuộc sống, thực ra cũng không khác nhiều so với người hiện đại khi đối mặt với cuộc sống của chính họ ngày nay. Nói cách khác, bản chất con người không thay đổi nhiều.

    Những người đọc sách lịch sử có thể cảm thấy sâu sắc hơn. Sự thăng trầm của thế giới, dòng chảy, thời gian, không gian khác nhau, nhưng luôn có chung một câu chuyện. Các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục thực hiện các quy tắc và trò chơi tương tự lặp đi lặp lại.

    Vì vậy, khi bạn đọc nhiều những thứ như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng hiện thực cuộc sống có thể sẽ không lệch khỏi phương hướng mà nó nên đi. Nếu bạn tham khảo, bạn có lẽ sẽ ngộ ra được lộ trình hoặc quỹ đạo trong sự phát triển của một sự vật nào đó.

    Người kiên trì đọc sách sẽ “ngắm” được rất nhiều thứ, vì vậy, khi bạn suy ngẫm về cuộc sống của mình, rồi xem xem câu chuyện của những người xung quanh, bạn sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn. Bạn sẽ không còn quá cho mình là nhất hay quá tự ti về bản thân. Bạn sẽ dùng một ánh mắt sắc bén, một cái nhìn đa chiều hơn để quan sát cuộc sống, từ đó sống một cuộc sống phong phú và trọn vẹn hơn.

    03

    Người kiên trì đọc sách, tâm thái sẽ trở nên nhã nhặn, phóng khoáng hơn

    Một nhà Nho nói: khí chất của con người, rất khó thay đổi, chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi được nó.

    Đọc sách có thể giúp ai đó thay đổi từ một người thích tranh luận, để tâm quá nhiều, thậm chí là bảo thủ thành một người rộng rãi linh hoạt, nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn.

    Đọc sách là quá trình học hỏi và tham khảo tư tưởng cũng như trải nghiệm của người khác, đó cũng được xem là kinh nghiệm sống. Khi bạn có nhiều thông tin trong đầu, bạn sẽ có nhiều tài liệu tham khảo hơn, và khi tình huống tương tự xảy ra, bạn sẽ có thể tìm ra được một gợi ý để giải quyết vấn đề.

    Đọc sách thực chất là nói chuyện với những con người thông minh và cao thượng. Sách là nhịp cầu vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, gắn kết những con người không liên quan, những con người khiêm tốn và những con người vĩ đại lại với nhau để họ cùng nhau giao lưu, tâm sự về cuộc sống. Càng đọc nhiều sách, chúng ta sẽ càng bớt bối rối về tinh thần, mở rộng tầm nhìn và mở rộng cả tâm hồn.

    Tôi thường xuyên cho rằng đọc sách là một việc giống như kiểu “há miệng chờ sung” vậy, là một việc quá hời cho người đọc, bởi lẽ chúng ta có thể đọc được sự kết tinh của trí tuệ của người khác mà không cần bỏ ra thời gian suy nghĩ, viết lách, chỉnh sửa hay in ấn…

    Khi cô đơn, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy cô độc.

    Khi trống rỗng, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy muộn phiền.

    Khi buồn bã, đọc sách khiến tôi giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

    Khi bi quan, đọc sách khiến tôi phấn chấn lại tinh thần…

    Nguồn Internet, tác giả Hân Vũ

  • Có một đường mòn trên biển Đông

    Có một đường mòn trên biển Đông

    Những con người bình thường vĩ đại

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

    Chiến tranh kết thúc, dấu tích của con đường huyền thoại cũng chìm sâu trong mặt biển mênh mông, câm lặng. Nhà văn Nguyên Ngọc với ngòi bút giàu tình cảm, đã kể lại cho người đọc hành trình đi tìm lại những con người từng góp công sức lớn lao xây dựng nên con đường mòn trên biển – những con người anh dũng, quả cảm, trí tuệ, tài năng mà chưa một lần được sử sách ghi danh hay có chăng chỉ là dòng chữ ngắn ngủi.

    Giai đoạn mở đường với nhiệm vụ: phải đi khảo sát vùng bờ biển Bà Rịa, tìm nơi lập bến, cho người ra Bắc đón tàu dẫn súng đạn về. Có những con người, như đồng chí Dương Quang Đông – một người lính vô danh của một tiểu đội vô danh, đói khát, len lỏi tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Chính đồng chí là người đã đưa ra ý tưởng táo bạo – bố trí một bến đón bí mật từ cửa sông Ray – ngay sát căn cứ của địch. Ý tưởng này cùng những chuyến đi sinh tử sau đó đã góp phần khai thông con đường huyền thoại nhưng trong cuốn dự thảo Lịch sử lữ đoàn Hải quân 125, tên của đồng chí Dương Quang Đông chưa một lần được nhắc đến.

    Câu chuyện về má Mười Rìu – một người phụ nữ kì lạ, với 10 đồng bạc mà dựng nên cơ nghiệp cho cách mạng. Má có thể mua một chiếc thuyền sáu tấn có máy đẩy Yama, một giàn lưới lớn, mấy tấn xăng dầu, hàng chục tấn gạo để phục vụ cho những cán bộ cách mạng trong những ngày mở đường gian khó…Không chỉ có 2 con người đó, hàng trăm, hàng ngàn con người ngày đêm âm thầm mà sôi nổi, ngày đêm mưu tính ngược xuôi để cuối cùng con đường mòn trên biển đã được khai thông với cả một mạng lưới các bến liên hoàn từ Bà Rịa đến Cà Mau.

    Tiếp sau giai đoạn mở đường là giai đoạn mà con đường trên biển đi vào hoạt động chính thức trong sự bí mật tuyệt đối. Nhưng rồi với sự kiện Vũng Rô – chấm dứt giai đoạn hoàn toàn bí mật này để chuyến sang giai đoạn mới. Đoàn tàu vận chuyển hàng hoá phải hoạt động công khai trước  sự kìm kẹp gắt gao của kẻ thù. Nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm ra những con người, những số phận âm thầm vô danh mà sự đóng góp của họ lại vô cùng vĩ đại. Cả đoàn thuỷ thủ hàng chục người sẵn sàng “quên sinh” để kẻ thù không thể lần tìm ra manh mối của những con tàu không số, những người phụ nữ hy sinh đời mình sống trong cô độc thậm chí miệt thị của người khác để giữ vững sự bí mật của danh tính những chiến sỹ đoàn tàu không số….Còn biết bao số phận khác cũng như vậy – đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    Đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    “Sự bình thường chỉ có ở những người trong sáng”

    Những con người hiển hách, góp công sức lớn lao cho cách mạng như vậy, khi chiến tranh kết thúc họ lại trở về làm một người bình thường. Với những gì đã hy sinh có mấy ai dễ dàng chấp nhận sống một cuộc đời bình thường như thế . Má Mười Rìu – bà má huyền thoại quay trở về làm người đàn bà sống bên làng chài ven biển, bán vô số thứ vật dụng linh tinh, lộn xộn, không tên. Đồng chí Dương Quang Đông cũng vậy, trở về cuộc sống đời thường là một cụ già giản dị, chậm rãi mang đậm dáng dấp của người “công nhân Ba Son”… Họ là những con người chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc mà không mưu cầu bất kỳ danh lợi gì, không mong được đền ơn, không mong được trả lại…Lý lẽ của họ đơn giản chỉ là : “Rồi xương máu của anh em ai trả”. Có phải  những con người với phẩm chất thật khó để tìm thấy trong cuộc sống hôm nay. Khi trong chúng ta vô số người kiêu ngạo, háo danh, tưởng mình là cái rốn của vũ trụ khi trong tay mới có chút thành tựu.

    “Có một đường mòn trên biển Đông” không chỉ đem đến cho người đọc hình dung về lịch sử tuyến đường trên biển chi viện vũ khí lực lượng cho chiến trường Nam mà còn một lần nhắc nhớ chúng ta về gía trị cốt lõi trong đời sống con người. Sống một cuộc sống bình thường vốn đã là  điều tốt đẹp. Bởi lẽ, cũng như nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: “Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng”.

    Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng

     

     

  • Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Bạn làm gì khi bị phản bội?

    Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng

    Khi bị phản bội, ai cũng sẽ cảm thấy cay đắng và mất niềm tin. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta sẽ đối mặt như thế nào? Có người sẽ tự làm lành vết thương rồi đứng dậy mà bước tiếp. Nhưng cũng có người lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng và trở nên…hận đời.  Nhân vật người cha trong “Cánh đồng bất tận” là một trường hợp điển hình như vậy.

    Cha của Điền và Nương vốn là một người đàn ông nồng ấm, yêu thương vợ bằng những cử chỉ thật thà. Vậy nhưng từ ngày vợ bỏ đi theo một người đàn ông buôn lụa trên bến ghe, con người ấy như đã chết. Thay vào đó là một người đàn ông lặng lẽ, cay nghiệt. Sáng sớm ông vẫn thường đánh hai đứa nhỏ vì hoang hoải, vì chán chường và cũng vì con bé Nương nó vô tình giống mẹ đến lạ lùng. Lâu dần rồi ông cũng không thèm đánh nữa. Lòng ông lạnh lẽo và bỏ mặc hai đứa con, mặc cho chúng đói khát, cô đơn, thất học hay hiểm nguy rình rập. Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Chúng như cỏ cây bám níu lấy nhau, đứng từ xa nhìn cha đắm chìm trong nỗi đau bị phản bội.

    Rồi người đàn ông đó tìm cách làm đau phụ nữ để xoa dịu nỗi đau của chính mình. Ông khiến người ta mến thương rồi hy vọng. Những ai đánh đổi gia đình, đi theo ông và hai đứa nhỏ, sẽ bị bỏ rơi theo cách bẽ bàng và tủi hổ nhất. Như người đàn bà ở Bàu Sen chẳng hạn. Chị đã bỏ lại đứa con thơ, xóm làng, ngôi nhà, vườn tược…gần như là tất cả để theo ba cha con nhưng rồi sau một đoạn đường, người đàn ông đó bảo chị lên bờ mua một ít củ cải muối mà đạp ghe đi mất với nụ cười làm hai đứa nhỏ không bao giờ quên được. “Đó là cái cười vừa dữ dội, vừa đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã.”…Đó không phải là người đàn bà duy nhất mà người đàn ông đó bỏ lại.

    Trong khi người cha mải miết chạy trốn chạy nỗi đau bị phản bội thì hành trình đó lại mang đến cho hai đứa trẻ những nỗi đau bất tận. Chúng đã lớn lên mà không tình yêu thương, không bè bạn, không sự sẻ chia. Chúng có lúc đã khao khát đến vô vọng tiếng người và một cuộc sống…bình thường. Dần dà chúng trở nên lập dị mà người cha chỉ hay biết nỗi đau của đời mình.

    Nguyễn Ngọc Tư đã thành công khi kể về cuộc sống lênh đênh, nghèo nàn, hiu quạnh của ba cha con trên một chiếc thuyền. Cuộc sống đó ám ảnh người đọc, lấy đi nước mắt của người đọc và cũng để một lần nhắc nhớ người đọc rằng: mỗi quyết định của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời con trẻ như thế nào. Người lớn có những nỗi đau có thể không bao giờ lành miệng, nhưng không thể, không được phép bắt con trẻ phải cùng mình gồng gánh những nỗi đau đó. Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta. Bởi lẽ, “không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh” mà thôi.

    Hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu có thể là do số phận, nhưng thay đổi hoàn cảnh để nó tốt đẹp lên hay bi kịch hơn, hoàn toàn do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta.

    Quy luật nhân quả

    Một quy luật của cuộc sống là, dần dà, rồi chúng ta sẽ phải trả giá một cách đầy đủ cho từng lỗi lầm, từng hành động sai trái và sẽ được đền đáp một cách xứng đáng cho mọi cố gắng và mọi việc làm tốt đẹp của mình. Người đàn ông đó đã phải trả giá vì những nỗi đau mình gây ra cho những người phụ nữ vô tội bằng cuộc sống đắm chìm trong sự tuyệt vọng mãi mãi, không thể thoát ra khỏi niềm đau. Người cha đó đã phải trả giá vì đã huỷ hoại cuộc đời hai đứa trẻ bằng việc mãi mãi mất đi đứa con trai giàu tình cảm, mà đau đến sững sờ khi nhận ra, con gái rơi vào hoàn cảnh hiểm nguy cũng không cầu cứu cha mình.

    Trời đất đã trừng phạt người cha đó bằng một hình phạt đớn đau đến tận cùng. Đó là những thằng thanh niên mạt hạng, giữ ông đúng một tư thế, bắt ông phải chứng kiến cảnh chúng thay nhau hãm hiếp con gái ông. Lúc đó đôi mắt ông ầng ậc nước thì cũng còn có nghĩa lý gì đâu?

    Cuộc đời cũng đã cho một đứa trẻ kịp hiểu rằng, mình chính là nguyên nhân khiến mẹ bỏ đi, khiến cho tai ương ập đến với gia đình. Nhưng phải chính lúc Nương bị đám thanh niên hãm hiếp thì em mới nhận ra rằng, suy nghĩ lâu nay của em về mẹ, rằng mẹ bỏ nhà theo trai, rằng hình ảnh em tận mắt chứng kiến mẹ với người đàn ông bán lụa trần trụi với nhau không như những gì em nghĩ. Phải khi chính em bị đày đoạ thân xác, lúc đó em mới hiểu ra rằng “cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó”.

    Cái vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó

    “Cánh đồng bất tận” đã khép lại như vậy, để lại trong lòng người đọc những nỗi buồn mênh mông, về cuộc đời, về con người, về gia đình, tình cảm cha con, mẹ con.  Hơn hết, “cánh đồng bất tận” sẽ nhắc nhớ chúng ta về quy luật nhân quả sớm muộn, sẽ đến với tất cả mọi người trong hành trình của cuộc đời mình.

     

  • Tướng về hưu – người lạc loài trong thời đại mới

    Tướng về hưu – người lạc loài trong thời đại mới

    Ông Thuấn là tướng về hưu. Dù tốt bụng và nồng hậu nhưng chỉ 01 năm sau khi rời quân ngũ, cuộc sống mới đã làm ông bạc tóc nhanh hơn cả cuộc đời chinh chiến của mình.  Bởi lẽ thực tế là những điều có chết ông cũng chưa bao giờ hình dung ra. Trở về nhà mình, ông day dứt lương tâm khi thấy các con cho mẹ già lại lẫn ăn riêng ở riêng. Ông xót thương nhìn cảnh ông Cơ, cô Lài – những người dù mang tiếng được cưu mang nhưng về nhà ông  lại phải làm không hết việc. Ông phẫn nộ khi chứng kiến cảnh Thuỷ – con dâu mang những nhau thai nhi, bỏ vào phích nước, đem về nấu cám cho chó ăn. Điều đáng nói ở đây là, trước tất cả những điều ông bất bình đó thì những người xung quanh ông lại cho rằng mọi việc là bình thường. Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.

    Nguyễn Huy Thiệp, bằng ngòi bút trào phúng, dửng dưng, khúc chiết đã khắc hoạ lại bức tranh đời sống xã hội nửa nông thôn nửa đô thị lúc đó với những sự thực dụng đến đốn mạt, hèn kém, táng tận lương tâm.

    Nguyễn Huy Thiệp đã đề cập đến một vấn đề quan trọng của tâm lý con người thời kỳ quá độ. Nếu trong những ngày bao cấp, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, con người sống với  nhau trọn vẹn nghĩa tình, không so đo tính toán, đề cao giá trị chung và phấn đấu cho lý tưởng, thì giờ đây, khi bước sang một kỷ nguyên mới, giá trị con người đề cao là tiền bạc, vật chất. Cuộc sống bởi vậy có lúc trở nên thật khủng khiếp. Và đương nhiên, những người tốt nhưng xưa cũ như tướng Thuấn về hưu sao có thể hoà nhập. Ông đau khổ, lạc lõng và cuộc đời trôi dài trong bi kịch.

    Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của ông tướng về hưu đó là sự bất lực đến nhu nhược. Nếu trước đây ông có thể chỉ huy cả trung đoàn tiến quân ra trận, lời nói của ông tựa như thiên lệnh, hàng nghìn người răm rắp nghe theo, thì bây giờ, điều ông có thể làm chỉ là thở dài. Mạnh mẽ hơn là gào lên phẫn nộ. Ông bất lực trước cuộc sống kim tiền, đau khổ khi nhận thấy mình lạc loài trong cuộc sống mới. Ông làm được gì để thay đổi cuộc sống hôm nay?

    Có lẽ  những người sinh ra từ cuộc chiến, trưởng thành trong đạn bom chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc từ trong đó. Ngày nhận được giấy báo của đơn vị rằng cần ông trong trận chiến, ông như trẻ lại, cuộc sống như được hồi sinh. Có lẽ sự hy sinh của ông sau đó cũng là một kết cục tốt đẹp mà tác giả muốn dành cho con người tử tế nồng hậu nhưng lạc thời như trung tướng Nguyễn Thuấn.

    Trong tác phẩm “Tướng về  hưu” tác giả khẳng định một chân lý vẫn là: “Không một ai là hoàn toàn xấu và cũng không có ai là tốt hoàn toàn”. Ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ, theo dõi kỹ, ta vẫn cảm nhận được không ít điều hay lẽ phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có. Nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) có nói: “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen”. Nguyễn Huy Thiệp  khi viết về những con người “lỗ mãng, táo tơn, làm đủ điều phi nhân bất nghĩa”, tác giả vẫn dành cho họ những lời thông cảm… “ Lão ấy tốt nhưng nghèo”. Lão Bổng dù vô liêm sỉ nhưng cũng biết rung động trước cái đẹp và đặc biệt là còn biết nhục. Khi người chị hấp hối bị lẫn không gọi được tên ông, chỉ nói được ông “là người” thì ông oà lên khóc: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng này gọi em là đố chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn, chỉ có chị gọi em là người”. Những kẻ vô liêm sỉ dẫu sao vẫn còn biết nhục và còn biết thổn thức khi được tôn trọng. Đây chính là cái nhìn đầy triù mến và bao dung với những phận người rẻ mạt.

    “Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen.

     

  • Sử Việt 12 khúc tráng ca

    Sử Việt 12 khúc tráng ca

    12 khúc ca trong cuốn sách là 12 câu chuyện lịch sử về các vị vua đã có công dựng nước và giữ nước. Tác giả không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… mà còn kể đến những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực như Khúc Hạo, hay những địa danh bị bụi thời gian phủ mờ như thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại. Tác phẩm lịch sử không hề khô khan bởi tác giả đã lựa chọn được những điểm ly kỳ,  hấp dẫn để kể lại từ đó mà hậu thế có thể có được một hình dung sinh động về quá khứ. Như việc phân tích về kỹ thuật đóng cọc trên sông Bạch Đằng giúp người anh hùng Ngô Quyền chấm dứt hơn 1000 năm Bắc Thuộc. Hay việc giải đáp chuyện bí ẩn vua Quang Trung hành quân thần tốc, lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay…

    Sử việt 12 khúc tráng ca hấp dẫn còn bởi lịch sử các vương triều Việt Nam được kể lại với những cuộc tranh đoạt ngôi vương, những mâu thuẫn nội tộc, những vụ án ly kỳ và cả những nghi án lịch sử. Nếu lịch sử Trung Hoa kỳ vĩ và hấp dẫn hậu thế bởi đã khai thác thành  công những  yếu tố đó thì chắc chắn rằng, nếu sử Việt thật sự được khai thác một cách triệt để nhất, độ hấp dẫn ly kỳ cũng chẳng kém ai.

    Điều đặc biệt là từ những câu chuyện lịch sử tác giả  đã đúc kết thành những bài học quý. Nếu công lao của dòng họ Khúc là kiện toàn hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương với những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở để tạo tiền đề cho Ngô Quyền 30 năm sau chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc một cách đường đường chính chính thì rõ ràng, bài học mà tiền nhân để lại chính là: “Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.

    “Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.

    su viet 2

    Hay như khi phân tích về bi kịch mất nước của nhà Hồ, tác giả đã làm rõ bài học về lòng dân. Sở dĩ giang sơn dù thuộc về nhà Hồ, nhưng lòng dân thì không ở họ Hồ nên vương triều này đã không thể đối đầu với quân Minh. Trước khi chiến tranh xảy ra, Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. 600 năm rồi câu nói ấy vẫn chứa bao uẩn ức và là một bài học mà hậu thế không bao giờ được phép lãng quên.

    Tuy nhiên cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn nếu không có một số sai sót. “Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Nguyễn Thái Tổ, niên hiệu Gia Long” (trang 255). Ngoài vấn đề danh hiệu, vì khi đó Nguyễn Ánh mới xưng vương, phải đến năm 1806 mới xưng là hoàng đế, thì miếu hiệu Nguyễn Thái Tổ là một nhầm lẫn lớn.

    Bởi vì sau khi vua Gia Long mất, triều thần mới đặt miếu hiệu của ông là Nguyễn Thế Tổ. Miếu hiệu “Thái Tổ” được vua Gia Long dành để suy tôn cho chúa Nguyễn Hoàng, tổ khai nghiệp ra các đời chúa Nguyễn, và lúc đương thời chỉ xưng là “Tiên vương” (Chúa Tiên).

    Hay trang 252 có đoạn: “Võ Văn Dũng với Lê Văn Duyệt cũng định “vây Ngụy cứu triệu”, khi dự định tấn công Phú Yên hòng đánh về Gia Định nhưng lại bị Nguyễn Văn Thành chặn lại”. Đọc câu này, đọc giả yêu lịch sử sẽ phải chững lại rồi ngẫm ra: Võ Văn Dũng là tướng của nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt là tướng nhà Nguyễn, sao lại cùng nhau cầm quân đánh một tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thành? Ở đây, tên Trần Quang Diệu phải thay vào chỗ tên Lê Văn Duyệt mới đúng.

    Hoặc có khi tác giả có lẽ không chú ý tính logic của vấn đề khi cho rằng năm 1558, Nguyễn Hoàng và các bề tôi thân tín của mình vào Nam và “sẽ phải nằm xuống ở nơi đất khách quê người và phải 250 năm sau, hậu duệ của họ mới có thể quay lại mảnh đất Thăng Long” (trang 208)…Trong khi ngay trang sau, tác giả đã nhắc lại việc Nguyễn Hoàng đưa quân Bắc ra giúp vua Lê, chúa Trịnh trong suốt 8 năm, từ 1592 (trong sách ghi nhầm thành 1692) đến tận năm 1600 mới thật sự trở về Thuận Hóa lần cuối….

    Tuy nhiên cũng bởi người viết cũng như người soát bản thảo không phải là dân chuyên ngành nên mới để xảy ra những sai sót đáng tiếc như vậy. Dẫu vậy, nhìn một cách tổng thể, đây vẫn là một cuốn sách hay, đáng đọc và nên đọc.

     

     

     

  • Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác

    Con không ngốc, con chỉ thông minh theo cách khác

    Tôi tin khi các trò và thầy cô trường ta cầm cuốn sách này lên tay ai rồi cũng sẽ bị cuốn vào ngay những trang sách đầu tiên. Lư Tô Vỹ viết về chính mình, về những tháng ngày ấu thơ với bao thăng trầm, vật vã, khổ sở, bởi bệnh tật để chiến thắng bản thân. Chặng đường trưởng thành của tác giả có quá nhiều chông gai, trắc trở, thử thách để “tìm thấy chính mình” và “nhìn thấy thiên tài trong chính mình”. Nhưng hơn hết, tác giả đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc về tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý, tình thầy trò thân thiện ấm áp bao dung…những cung bậc tình cảm ấy chắc chắn ai đọc được sẽ không thể ngăn được dòng nước mắt dâng trào xúc động.

    Cuốn sách dày hơn ba trăm trang, được chia thành ba phần theo những mốc phát triển đáng ghi nhớ của tác giả.

    Phần thứ nhất với dòng tên tiêu đề “SINH MỆNH ĐƯỢC NHẶT LẠI” tác giả đã đưa người đọc về những hồi ức ấu thơ không có bình yên. Lư Tô Vỹ là đứa con cầu tự được sinh ra trong hoạn nạn nhưng được nuôi dưỡng như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm lên 8 tuổi, Vỹ bị một trận sốt huyết Nhật Bản người ta còn gọi là sốt huyết viêm màng não. Vỹ vật vã, ngoi ngóp chống lại bệnh tật giành giật sự sống. May mắn từ cõi chết trở về mặc dù Vỹ chỉ là đứa trẻ bại não- người thực vật nhưng Vỹ vẫn có tinh thần lạc quan vui vẻ nhờ những lời động viên của người thân “được sống thật tốt biết bao”, “là người, dù người thế nào cũng không quan trọng, chỉ không biến thành quỷ là được rồi”. Một đứa trẻ đi học không nhớ mặt chữ, không nhớ nổi các con số, không biết đường đi đến trường và buộc phải theo học lớp “giáo dục đặc biệt”…đã trở thành “nhân vật đặc biệt” trong mắt thầy cô và bạn bè. Những người thân luôn thương yêu và quan tâm, động viên chăm sóc Vỹ. Khi trò khác được 9 điểm cũng có thể bị bố mẹ cho ăn roi “Giao hẹn trước là thiếu một điểm thì ăn mười roi, nào nằm xuống” hoặc quát mắng gây áp lực làm biến đổi tâm lý, tính cách biến trẻ trở lên lầm lì, rụt rè hay chống đối. Nhưng với Vỹ lại được thưởng ăn đùi gà chiên vì đã rất nỗ lực để đạt được điểm 1. “Vỹ ơi! Con có điểm thật này, điểm 1 cơ đấy”, “giỏi lắm, giỏi lắm”. Đọc phần này tin rằng ai đã làm cha làm mẹ sẽ nhận ra mình cần làm gì, cần thay đổi như thế nào để trao yêu thương cho con mình trọn vẹn.

    “Vỹ ơi! Con có điểm thật này, điểm 1 cơ đấy”  “Giỏi lắm, giỏi lắm”

     

    Lư Tô Vỹ luôn cho mình là CHÚ CHIM LẠC LOÀI BAY CHẬM qua những hồi ức của phần 2 cuốn sách. Vẫn lối viết văn bằng lời kể chuyện sinh động, tác giả đã đưa người đọc đến với nhiều trạng thái cung bậc cảm xúc trước những tình huống diễn ra cuộc đời.

    Từ tiểu học cho đến trung học, Vỹ luôn có những thành tích học tập kém.  Đó là những chuỗi ngày đau khổ và thất bại dẫu cố gắng nỗ lực không ngừng. Vỹ luôn tự ti và cảm thấy cô đơn như cánh chim lẻ loi phiêu bạt. Vỹ kìm nén khát khao được bằng bè bằng bạn, ước muốn được thầy cô biểu dương, khen thưởng và hơn hết là muốn tự lập để không dựa dẫm vào người thân….Rồi một ngày Vỹ “nhìn thấy niềm hy vọng mới”, những khát khao của Vỹ có thể trở thành hiện thực. Tất cả những điều làm thay đổi Vỹ vẫn từ tình yêu thương vô bờ bến với những hi sinh cao cả của người thân trong gia đình, là sự ân cần giảng dạy của thầy cô và những người bạn tốt. Tất cả đã đồng hành cùng Vỹ từng bước, từng ngày làm người đọc vô cùng cảm động. Hai phần đầu của cuốn sách đã lấy đi khá nhiều nước mắt của người đọc.

    Tất cả những điều làm thay đổi Vỹ vẫn từ tình yêu thương vô bờ bến với những hi sinh cao cả của người thân trong gia đình, là sự ân cần giảng dạy của thầy cô và những người bạn tốt

     Phần ba của cuốn sách, nội dung: “NHÌN THẤY THIÊN TÀI TRONG CHÍNH MÌNH” là những câu chuyện Vỹ kể lại, đã tác động lên lý trí của người đọc. Với sự dìu dắt đầy tình yêu thương của các thầy cô, Lư Tô Vỹ đã đánh thức được trí tuệ của mình. Cả một quá trình dài nỗ lực phấn đấu học tập để “nhận ra chính mình”, “biết được chính mình” và “hiểu rõ chính mình”. Vỹ đã rút ra “ Không có gì là không học được chỉ là do chúng ta chưa tìm ra phương pháp học tập thích hợp nhất với bản thân mà thôi”. Từ một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ Vỹ đã tiến tới bục của “người thông minh”. Dẫu 7 năm với 5 lần thi đại học mới đỗ thì điều này chúng ta đều thấy sự kỳ diệu của Lư Tô Vỹ – một đứa trẻ bại não. Thành công của Vỹ được đánh đổi bằng mồ hôi, bằng những cơn đau đầu vật vã, những giọt nước mắt đắng cay tủi hờn…

    “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là một món quà của cuộc sống vô cùng ý nghĩa với chúng ta. Với các trò khi đọc cuốn sách ngày sẽ có thêm nhiều động lực, nhiều quyết tâm cố gắng học tập thực hiện được nhiều ước mơ các em đang ấp ủ. Chắc chắn rằng các em cũng sẽ học được nhiều cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh, các em sẽ ngoan hơn, lễ phép hơn, có trách nhiệm với những lời nói và hành động của bản thân hơn.  Cuố sách cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức các bậc phụ huynh, các thầy cô còn đang luẩn quẩn xoay vòng trong những suy nghĩ, thái độ áp đặt, kỳ vọng thái quá về con em mình, nhất là những trẻ “đặc biệt”.  Thầy cô sẽ làm chủ được những cơn nóng giận, yêu thương học trò của mình nhiều hơn, hy sinh cho các con nhiều hơn, nói những lời động viên, khích lệ nhiều hơn để một ngày có thể phát hiện ra kho báu trí tuệ trong các thế hệ học trò đã được chính mình giáo dưỡng, khơi dậy thiên tài từ ý thức học tập, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ của con em mình và đưa con em mình chạm đến vầng hào quang lung linh kỳ diệu của cuộc sống.

    Hãy nói những lời động viên, khích lệ nhiều hơn để một ngày có thể phát hiện ra kho báu trí tuệ trong các thế hệ học trò đã được chính mình giáo dưỡng, khơi dậy thiên tài từ ý thức học tập, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ của con em mình và đưa con em mình chạm đến vầng hào quang lung linh kỳ diệu của cuộc sống.

     

    Bùi Minh Huế

     

     

     

     

  • Cuộc sống hữu hạn, hãy yêu thương

    Cuộc sống hữu hạn, hãy yêu thương

    “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

    Đó chính là câu nói nổi tiếng của người người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Đến nay, năm tháng đi qua, tác giả của câu nói cũng đã về với cõi vĩnh hằng nhưng bạn đọc, đặc biệt là giới mộ điệu đều phải công nhận một điều rằng, ở trong địa hạt nào – nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ, tài tử họ Trịnh đều để lại cho đời những dấu ấn riêng, những giá trị nhất định, khó có thể phai mờ.

    Có thể nói, dù là trong âm nhạc, thi ca hay văn học, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những tác phẩm của ông đều tập trung ở hai yếu tố xoay quanh con người, đó chính là: Thân phận và tình bạn – tình yêu. Sự thống nhất hài hòa giữa ba mặt tư tưởng – tác phẩm – con người đã hình thành nên một Trịnh Công Sơn với chất riêng, rất giản dị, gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc, triết lý.

    Viết về nhiều thân phận, tuy nhiên ông đặc biệt dành tình yêu thương, lòng biết ơn vô bờ bến của mình cho mẹ và cuộc đời tần tảo mà bà đã dành cho con cái.

    “Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hi sinh tất cả tính mang. Đó là mẹ tôi”

    “Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hất tất cả mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là mẹ tôi”

    Mẹ tuy là một thân phận bé nhỏ nhưng bằng tình yêu thương rộng lớn của mình, bà trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết. Xuyên suốt tác phẩm Trịnh Công Sơn, tôi là ai là ai, ta thấy được mạch tư tưởng của Trịnh thường lấy cái hữu hạn so với cái vô cùng. Thân phận, tình yêu, cuộc sống mỗi người là cái hữu hạn – cuộc đời rộng lớn, hạnh phúc, khổ đau, hạnh ngộ, chia ly là những điều vô cùng. Để rốt cuộc, khi nhìn thấy được hai mặt của đời sống, con người biết chấp nhận, sống trọn vẹn, bao dung và yêu thương nhiều hơn.

    Khi nhìn thấy được hai mặt của đời sống, con người biết chấp nhận, sống trọn vẹn, bao dung và yêu thương nhiều hơn.

    Với Trịnh Công Sơn, cái hữu hạn đã thúc đẩy con người khao khát tìm đến một điều gì trường tồn, không thể biến mất, đó chính là tình bạn, tình  yêu. Quan niệm về tình bạn và tình yêu được Trịnh đề cập khá nhiều trong những áng văn của mình.

    Lúc so sánh giữa hai thứ tình này, ông cho rằng “May thay trong cuộc đời này có tình yêu vừa có tình bạn… Tôi thấy tình bạn quí hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa”.

    Và có lẽ không ít người cũng đã bắt gặp hình ảnh của bản thân trong câu nói: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ ᴄó thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúᴄ, những điều mới mẻ nhất ѕẽ đến trong tương lai. Cũng ᴄó thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn ᴠà ᴄần nhất ᴄhỉ đến một lần trong đời”. Để rồi suy cho cùng thì: “Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt”.

    Tựu chung lại, qua cuốn sách “Trịnh Công Sơn – Tôi là ai là ai”, người nghệ sĩ tài hoa cho ta thấy được tác giả đã nhìn cuộc sống đang diễn như nó vốn có, một tư tưởng rất giống Phật giáo, không trốn tránh thực tại và gửi đến bạn đọc thông điệp ý nghĩa – chúng ta cần chấp nhận, bao dung, dùng tình yêu, sự tử tế để đối đãi với những người chung sống. Đó là tư tưởng rất mới, lạc quan chứ không hề mang nặng sự bi quan, bị lụy mà nhiều người lầm tưởng về ông. Ngay tại thời điểm bây giờ, đây vẫn là lối suy nghĩ tích cực đáng được noi theo. Chúng ta đứng trước sự hữu hạn của đời sống, hãy dùng tình yêu thương, bao dung để  một lần nữa xích lại gần nhau hơn.

    Chúng ta đứng trước sự hữu hạn của đời sống, hãy dùng tình yêu thương, bao dung để  một lần nữa xích lại gần nhau hơn.

    Lưu Hồng

  • Nghĩa hiệp và chính trực

    Nghĩa hiệp và chính trực

    Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng năm 1964, là một trong những khu binh gia lớn nhất của Hà nội thời chiến tranh chống Mỹ. Có khoảng 500 gia đình sĩ quan đã từng sống ở đây. Cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” tái hiện lại cuộc sống của những đứa con các gia đình quân nhân – những đứa trẻ thông minh, dũng cảm, nghĩa hiệp nhưng hơi chệch hướng đã làm cho Quân khu Nam Đồng trở nên khét tiếng một thời.

    Những đứa trẻ nghĩa hiệp chệch hướng

    Việt, Hoà, Anh Sơn, Tiến Thọt, Tuấn Mím…là những đứa trẻ Nam Đồng lớn lên trong chiến tranh, cha đi chiến đấu biền biệt, mẹ tăng gia sản xuất không có thời gian quan tâm, dạy dỗ…Dù thông minh nhưng kết quả học hành của chúng luôn lẹt đẹt bởi lẽ, chúng đánh nhau quá nhiều. Trong bức tranh kể về cuộc sống của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng thời đó, những trận đánh của chúng chiếm khá nhiều dung lượng. Bắt đầu từ trận đánh Ô Chợ Dừa, chúng đánh nhau với bọn trấn lột ở cổng trường để bảo vệ cho đám con gái, những đứa nhỏ bé và những em học sinh lớp dưới… Trận đánh rạp chiếu phim thì diễn ra khi đám trẻ Nam đồng thấy 02 thanh niên mặc quần áo bộ đội bạc phếch, đánh túi bụi một cậu bé trai khoảng 13 – 14 tuổi…Với chúng Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính  nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội,  trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”. Quả thực, chúng đã dùng hết sức mình để thực hiện lời tuyên ngôn đó.

    Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính  nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội,  trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”

    Tuy nhiên, tất cả mọi việc đều cần có chừng mực. Là những thanh niên mới lớn, những đứa trẻ Nam Đồng có quá nhiều năng lượng. Có lúc chúng đánh nhau vì những lý do lãng xẹt và đầy tính manh động. Manh động đến mức cầm búa đập vào đầu khiến con nhà người ta phải nhập  viện. Có những đối tượng bị chúng đánh phải điều trị gần chục ngày, đầu khâu nhiều mũi nhưng theo lời chúng mô tả thì rất nhẹ. Chúng đầy bản năng, bất trị, bạo liệt và…chệch hướng.

     

     Cuối cùng điều gì đến cũng buộc phải đến. Những đứa trẻ quả cảm, đầy khí phách nhưng hơi chệch hướng đã dừng lại những trò đánh nhau cho đến khi xảy ra một sự việc nghiêm trọng. Chúng đánh chết người.  Số phận của những đứa trẻ Nam đồng từ đây mỗi người một hướng. Đứa nhập ngũ, đứa vào tù, đứa tiếp tục theo học…Nhưng kỳ lạ là, dù ở đâu, chúng vẫn luôn cùng nhau thực hiện một điều: giữ gìn hình ảnh quân khu Nam Đồng.

    Tác  giả Bình Ca, với giọng văn dì dỏm hài hước nhưng đầy chiều sâu đã lôi cuốn người đọc hồi hộp theo dõi những trận đánh của đám trẻ quân khu. Cùng với đó là trò quậy phá tuổi học trò với những rung động đầu đời tưởng mơ hồ mà quá đỗi sâu đậm. Người đọc có lúc bật cười với những câu chuyện hồn nhiên, chân thật, đầy sinh động nhưng cũng có lúc ngậm ngùi với những phân đoạn buồn về số phận những đứa trẻ. Rõ ràng là không phải ai cũng được ông trời ưu ái.

    Giá trị của lòng chính trực

    Chất lính của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng không chỉ ở tinh thần nghĩa hiệp mà còn ở lòng chính trực. Khi Quốc Tẩm khi lấy trộm tiền của mẹ, Hoà đã khuyên: “Mình là con nhà lính,  làm chuyện gì cũng đàng hoàng… Nếu mày không vượt được qua lần này thì sau mày sẽ lại ăn cắp tiền của mẹ mày nữa”. Nếu chúng đã nhận thức được điều đó là sai, thì lòng chính trực mãnh liệt trong chúng sẽ thôi thúc cho đám trẻ nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm của mình.

    Câu chuyện về Đỗ – bí thư chi đoàn là một câu chuyện buồn. Đến tận cùng, những đứa trẻ Nam Đồng vẫn đặt niềm tin vào người đã giúp đỡ chúng, tạo điều kiện cho chúng được “cảm tình Đoàn”. Vậy nhưng sự thật thì không chối bỏ được. Khi chúng biết Đỗ phản bội, làm thầy Toàn tổn thương, là người bí mật báo cáo với cô giáo những trò nghịch dại của chúng, là người đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi…thì từ đó cả lớp cũng không ai nhắc đến Đỗ nữa. Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó. Làm sao trong trái tim của sự ngay thẳng và chính trực có chỗ cho sự phản bội và lòng giả dối.

     

     

    Nhà văn Bình Ca

     

    Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó.

    Trái ngược với Đỗ là Giang cận. Anh bí thư chi đoàn bị cách chức vì bị cảm hoá ngược. Trong một lần Giang cận tiếp cận với Hoà, Khanh để khuyên bảo các bạn dừng lại những  trò đánh nhau thì  cũng chính lần đó, Giang cận “gia nhập” vào đội nhóm những đứa trẻ quân khu với những trận đánh nhau gây kinh hồn bạt vía. Với  tính cách dũng cảm, gan lì và  đàng hoàng, dù có bị công an nhốt vào đồn thì Giang cận sẽ vẫn luôn khai báo một cách trung thực, đánh bao nhiêu đứa, dùng vũ khí gì. Nên Giang cận sẽ luôn là đứa vào đồn đầu tiên và ra khỏi đồn cuối cùng. Nhưng với tố chất thông minh  trời phú, nó ở đâu cũng là đứa dẫn đầu và luôn là người mà đám trẻ quân khu Nam Đồng nể nhất.

    Có lẽ tác giả Bình Ca cũng không có ý chuyển tải quá nhiều thông điệp trong cuốn sách này. Nhưng từ bức tranh ký ức về những  đứa trẻ Nam Đồng ông kể lại người đọc vừa có thêm một hình dung hoàn toàn khác về chiến tranh, vừa một lần được nhắc nhớ về những giá trị cốt lõi trong đời sống con người như tinh thần nghĩa hiệp và lòng chính trực. Ở bối cảnh nào thì đó vẫn sẽ mãi là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện và vươn tới.