Một cách nhìn về mới về cơn giận
Tác giả gọi cơn giận sinh ra trong lòng mình bằng hai từ thật đáng yêu: Em bé. Thật khó lòng để giận dỗi một em bé khi em khóc lóc hay không chịu làm theo những điều người lớn mong muốn. Ngược lại, chúng ta đặc biệt vỗ về, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khắc phục để em bé bình tâm và ngon giấc. Cơn giận cũng vậy, nếu chúng được ôm ấp, vỗ về bằng tuệ giác, sự minh triết để tìm ra ngọn ngành của sự việc thì thay vì phiền lòng, đau khổ hay biến ngọn lửa giận dữ đang sôi sục trong lòng mình sang người khác thì ta sẽ lắng lòng lại để suy nghĩ và hành động thấu đáo hơn.
Hạt muối khi bỏ vào một ly nước có thể biến ly nước đó mặn hơn nhưng nếu ta lấy một nắm muối rắc vào dòng sông, với khối lượng nước lớn như vậy, dòng sông chỉ có thể hòa tan muối chứ nước không thể chuyển sang vị mặn được. Vì vậy, đây chính là cách nhìn bao dung, rộng rãi hơn đối với những sự việc xảy đến không theo ý muốn của ta. Cách nhìn mới thể hiện ở việc, đối với những sự kiện gây tiêu cực, thay vì giận dữ, tránh xa cơn giận của mình, ta hãy thử làm ngược lại, học cách chấp nhận sự việc xảy ra như vốn có của nó và nhìn sự kiện bằng con mắt của yêu thương. Hãy “ôm ấp em bé sân hận” và cố gắng lắng nghe, thấu hiểu được câu chuyện đằng sau đó. Đó mới chính là lời hóa giải cơn giận tốt nhất.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều này? Làm sao để có thể bình tĩnh, thâm chỉ ôm ấp cả cơn giận của mình?
Thực tập chế ngự – chuyển hóa cơn giận
Cái hay ở cuốn sách nằm ở chỗ mỗi khi đưa ra vấn đề, tác giả đều chỉ ra nguyên nhân và sau đó là những bài tập thực hành nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Bài tập đầu tiên chính là sự im lặng. Ngay khi lửa giận đang cao trào nhất, có lẽ việc ta nên làm là KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Một điều có vẻ rất vô lý đang lại thật hợp lý, bởi:
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết, không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây nên đổ vỡ mà thôi. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.
Thực tế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một hoặc hơn một lần trải qua cảm giác này và đâu đó cũng đã phải chịu những hậu quả mang lại do cảm xúc, hành động bộc phát của mình trong cơn giận. Trong vô vàn những sứt mẻ đó, có lẽ sợi dây tình cảm mất đi là khó lấy lại và mang đến nhiều tiếc nuối nhất.
Bài tập thứ hai: hít thở trong chánh niệm. Cũng là một bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực tập tập trung, đều đặn: “Thở vào tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi”. Làm như một bà mẹ “Thở vào tôi biết con tôi đang khóc, thở ra tôi chăm sóc con tôi”.
Những bài tập thở, thiền được tác giả nhắc đến rất cụ thể và tỉ mỉ trong cuốn sách để ai cũng thực tập được. Có lẽ, đây cũng chính là nét nổi bật làm cho những tác phẩm mang tư tưởng Phật giáo tưởng chừng khô khan, giáo điều lại nhận được sự đồng cảm của đông đảo người đọc đến vậy. Thiền sư đã từng bước, từng bước gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp của tư tưởng Phật giáo đến với tâm hồn người đọc, để chúng thấm nhuần vào con người ta và cứ thế thực tập biến nó thành tư tưởng, lẽ sống đẹp trong cuộc đời này.
Leave a Reply