Author: Hồng Lưu

  • Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Một cách nhìn về mới về cơn giận

    Tác giả gọi cơn giận sinh ra trong lòng mình bằng hai từ thật đáng yêu: Em bé. Thật khó lòng để giận dỗi một em bé khi em khóc lóc hay không chịu làm theo những điều người lớn mong muốn. Ngược lại, chúng ta đặc biệt vỗ về, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khắc phục để em bé bình tâm và ngon giấc. Cơn giận cũng vậy, nếu chúng được ôm ấp, vỗ về bằng tuệ giác, sự minh triết để tìm ra ngọn ngành của sự việc thì thay vì phiền lòng, đau khổ hay biến ngọn lửa giận dữ đang sôi sục trong lòng mình sang người khác thì ta sẽ lắng lòng lại để suy nghĩ và hành động thấu đáo hơn.

    Hạt muối khi bỏ vào một ly nước có thể biến ly nước đó mặn hơn nhưng nếu ta lấy một nắm muối rắc vào dòng sông, với khối lượng nước lớn như vậy, dòng sông chỉ có thể hòa tan muối chứ nước không thể chuyển sang vị mặn được. Vì vậy, đây chính là cách nhìn bao dung, rộng rãi hơn đối với những sự việc xảy đến không theo ý muốn của ta. Cách nhìn mới thể hiện ở việc, đối với những sự kiện gây tiêu cực, thay vì giận dữ, tránh xa cơn giận của mình, ta hãy thử làm ngược lại, học cách chấp nhận sự việc xảy ra như vốn có của nó và nhìn sự kiện bằng con mắt của yêu thương. Hãy “ôm ấp em bé sân hận” và cố gắng lắng nghe, thấu hiểu được câu chuyện đằng sau đó. Đó mới chính là lời hóa giải cơn giận tốt nhất.

    Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều này? Làm sao để có thể bình tĩnh, thâm chỉ ôm ấp cả cơn giận của mình?

    Thực tập chế ngự – chuyển hóa cơn giận

    Cái hay ở cuốn sách nằm ở chỗ mỗi khi đưa ra vấn đề, tác giả đều chỉ ra nguyên nhân và sau đó là những bài tập thực hành nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Bài tập đầu tiên chính là sự im lặng. Ngay khi lửa giận đang cao trào nhất, có lẽ việc ta nên làm là KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Một điều có vẻ rất vô lý đang lại thật hợp lý, bởi:

    Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết, không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây nên đổ vỡ mà thôi. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.

    Thực tế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một hoặc hơn một lần trải qua cảm giác này và đâu đó cũng đã phải chịu những hậu quả mang lại do cảm xúc, hành động bộc phát của mình trong cơn giận. Trong vô vàn những sứt mẻ đó, có lẽ sợi dây tình cảm mất đi là khó lấy lại và mang đến nhiều tiếc nuối nhất.

    Bài tập thứ hai: hít thở  trong chánh niệm. Cũng là một bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực tập tập trung, đều đặn: “Thở vào tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi”. Làm như một bà mẹ “Thở vào tôi biết con tôi đang khóc, thở ra tôi chăm sóc con tôi”.

    Những bài tập thở, thiền được tác giả nhắc đến rất cụ thể và tỉ mỉ trong cuốn sách để ai cũng thực tập được. Có lẽ, đây cũng chính là nét nổi bật làm cho những tác phẩm mang tư tưởng Phật giáo tưởng chừng khô khan, giáo điều lại nhận được sự đồng cảm của đông đảo người đọc đến vậy. Thiền sư đã từng bước, từng bước gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp của tư tưởng Phật giáo đến với tâm hồn người đọc, để chúng thấm nhuần vào con người ta và cứ thế thực tập biến nó thành tư tưởng, lẽ sống đẹp trong cuộc đời này.

  • Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Tên gọi của cuốn sách cũng chính là tư tưởng xuyên suốt thiền sư muốn gửi tới mọi người. Hiểu một cách đơn giản, đó là quan niệm vạn vật vô thủy – vô chung, nghĩa là không có khởi đầu (không sinh) cũng không có chấm dứt (không diệt). Vì mọi vật không sinh ra cho nên chúng cũng không thể mất đi được, chỉ có sự chuyển hóa, biểu hiện qua lại khác nhau ở từng thời điểm mà thôi.

    Quy luật vô thuỷ vô chung – Không sinh không diệt

    Ta thử hình dung, nước dưới sự tác động của không khí, ánh sáng, bốc hơi bay lên trời thì được gọi là đám mây. Khi nhiều đám mây khác tụ lại, trời tối xầm và bắt đầu mưa thì không còn hình dáng đám mây trên trời nữa, nó đã ẩn mình trong những hạt mưa rơi xuống mặt đất rồi. Như vậy, mây hay mưa thì bản chất vẫn là nước, không phải chúng mất đi mà là ở những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ  hiện hữu trong hình hài khác nhau.

    Tương tự ngọn lửa, bông hoa cũng vậy, chúng vốn có sẵn trong tự nhiên và đang tồn tại ở một dạng thức nào đó, chỉ cần hội tụ đủ  các điều kiện cần có như: khí hậu, nhiệt độ, nước ánh sáng và bàn tay con người, bông hoa sẽ xuất hiện, ánh lửa cũng sẽ bùng lên. Các yếu tố điều kiện này, Người gọi đó là nhân duyên, là những “hạt giống” để vạn vật có điều kiện biểu hiện.

    “Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng rút lui”.

     

    Với cách tư duy này ta thấy rằng, không cần tìm ở đâu xa, không cần một cây đũa  của một vị thần nào cả, cuộc sống quanh ta cũng là đã là một phép nhiệm màu. Chỉ cần ta hội tụ đủ yếu tố nhân duyên, khi ta gieo trồng những điều kiện cần thiết, vạn vật sẽ biểu hiện.

    Hiểu theo cách này thì những người thân yêu của chúng ta cũng vậy, họ không mất đi mà chỉ là họ đang biểu hiện ở một hình thái khác, có thể là trong trái tim, trong kí ức những người yêu thương. Mỗi lần ta nhắc nhớ đến họ, bằng tình cảm, sự yêu thương nồng ấm của ta, họ lại xuất hiện lần nữa nhưng ở một trạng thái khác mà thôi.

    Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều’

    Thực tập nhìn sâu

    Lặp đi lặp lại sau những lần diễn giải về bản chất sự vật, con người, thiền sư luôn nhắc nhở chúng ta một điều, đó là thực tập nhìn sâu để chuyển hóa những nỗi lo lắng sợ hãi của mình. Chúng ta nhìn sâu vào vạn vật để thấy vạn vật không sinh không diệt mà chúng tồn tại trong nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thực tập nhìn sâu giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của sự vật, khi  đó chúng ta nhìn đám mây không chỉ là hình ảnh đơn thuần của chúng ở trên bầu trời nữa mà còn hình hài của nước trên những dòng sông, con suối dưới mặt đất. Chúng ta nhìn thấy được ở bông hoa là bàn tay của người vun trồng, chăm sóc. Đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy trong mình hình dáng của ba mẹ, của tổ tiên bởi chính những thế hệ đi trước đã ươm mầm những hạt giống tốt lành để chúng ta được “biểu hiện” ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta biết trân trọng và sống có trách nhiệm với bản thân hơn, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng đang gieo những hạt giống tốt lành cho thế hệ con cháu mai sau.

     

    Khi hiểu và thực tập nhìn sâu, chúng ta thấy hạnh phúc cũng vậy, nó không ở đâu xa, hạnh phúc cũng đang nằm trong tầm tay ta đấy thôi. Nếu mỗi người chúng ta biết gieo trồng những hạt giống tốt của sự chân thành, tử tế thì một ngày nào đó, những điều mà ta mong, những người mà ta muốn gặp ắt sẽ xuất hiện. Việc chúng ta cần làm là kiên định, cố gắng mỗi ngày để rèn luyện tu dưỡng bản thân thật tốt, toàn diện để khi có cơ hội, những hạt giống mà ta gieo trồng sẽ nở hoa, những bông hoa có sắc có hương, chứ không phải tàn phai theo gió. Giá trị và những điều tốt đẹp của mỗi người sẽ là điều còn mãi ngay cả khi họ  ‘ngừng biểu hiện’.

  • Hiểu về trái tim

    Hiểu về trái tim

    Trái tim không chỉ là sự sống, nó còn là biểu tượng cho tâm hồn mỗi con người. Một tâm hồn chứa đựng mọi hỉ – nộ – ái – ố của cuộc đời. Trong tác phẩm của mình, tác giả chia thành khá nhiều chương, các chương được song hành theo cặp, như: hạnh phúc – khổ đau, ghen tuông – tha thứ, che đậy – thành thật, tuyệt vọng – niềm tin… Các cặp phạm trù đó khi thì đối lập, khi thì bổ sung cho nhau. Điều đặc biệt là trong cuốn sách tác giả không quá tập trung vào giải pháp như những cuốn sách hiện thời mà ta có thể bắt gặp đâu đó với tiêu đề như: “Làm thế nào để..,” hay “ Những nguyên tắc để…”. Tác giả tập trung vào cắt nghĩa tầng lớp, nguồn cơn của mỗi loại cảm xúc hay tư tưởng mà trong xã hội hiện đại với nhịp sống bộn bề, chúng ta vì vô tình hay hữu ý thường không cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng. Hay nói cách khác là muốn giải quyết được vấn đề tận gốc, điều đầu tiên và cực kỳ quan trọng tác giả muốn gửi gắm chính là phải tìm hiểu được nguyên nhân sinh ra vấn đề. Nhân nào quả nấy – triết lý nhà Phật được ứng dụng một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

     

    Trong cuộc sống, có những sự việc nhìn vậy nhưng chưa chắc là đã vậy. Đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đó là câu nói mà ông bà ta để lại để khuyên nhau đừng nhìn sự vật một cách phiếm diện, bề ngoài. Còn thiền sư gợi ý cho chúng ta một cách nhìn mới để hiểu mình, hiểu người. Đó chính là lắng nghe. Xin lưu ý, tác giả dùng từ ở đây chính là “lắng nghe”. “Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề.” Một quan niệm hay, đáng để suy ngẫm. Lắng lòng một chút, nhớ lại xem, bản thân mình đã thực sự lắng nghe trái tim, lắng nghe người khác đúng nghĩa hay chưa?

    Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề. 

    Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, thiền sư đúc kết rằng “Chỉ cần hiểu câu chuyện của trái tim, tự khác mỗi người sẽ quyết định được câu chuyện của chính mình”. Thấu hiểu rằng mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc bản, hạnh phúc hay khổ đau trong cảm nhận tâm can của mỗi người là không giống nhau. Chính ta, chứ không phải một ai khác mới là người đang trải qua những vận hạnh của mình. Và nếu như, ta có một nội tâm trong lành, một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn thì ắt hẳn sẽ nhìn thấu được bản chất, thích ứng với thời cuộc. Câu trả lời không ở đâu xa, đáp án nằm trong một trái tim hiểu biết, sáng suốt. Từ đó, ta cũng hiểu rằng:

                 “Không thể cầu cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng ta có thể nguyện cho mình không bị gục ngã trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ trái tim”.

  • Đừng chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt

    Đừng chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt

    Người ta thường nói ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, bởi thông qua ánh mắt, chúng ta được nhìn ngắm thế giới đầy màu sắc. Ánh mắt khi vui thường mở to, lấp lánh làm cho khuôn mặt trở nên rạng rỡ, ánh mắt lúc buồn thường cúi xuống, né tránh, khuôn mặt cũng vì thế mà lộ rõ vẻ mệt mỏi, u sầu. Vì thế, cách nhanh nhất để nhìn rõ vạn vật và hiểu được tâm trạng của một người là thông qua ánh mắt của họ. Thế nhưng, bạn đã thử làm điều ngược lại, chẳng hạn:

    “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét”.

    Bạn đã thử trò chơi này chưa? Và cảm nhận của bạn thế nào? Còn cậu bé 10 tuổi Trí Dũng trong tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” thì tỏ ra thích thú vô cùng. Cậu đã vận dụng tất cả những giác quan còn lại, bao gồm cảm nhận của trái tim để tìm ra được đáp án thật chính xác. Vạn vật thì vô cùng, trò chơi nhắm mắt đoán sự vật của cậu cũng vì thế mà ngày một thú vị.

    Phải chăng, khi chúng mình nhắm mắt nhưng tâm hồn chúng mình rộng mở thì ắt hẳn sẽ nhìn thấy được mọi điều, thậm chí ở những điều nếu chỉ nhìn bằng đôi mắt thông thường sẽ chẳng bao giờ thấy được. Bởi có lẽ “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy được”.

    Bởi có lẽ “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy được”.

    Nhắm mắt lại, chúng mình hiểu rằng cái tên sẽ không đơn thuần chỉ là tên gọi phân biệt người này với người kia bởi “Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn”. Trí Dũng chính là cái tên mà bố mẹ gửi gắm cho cậu bé của mình, mong rằng sau này con sẽ trở thành một người lớn thông minh và thật mạnh mẽ. Còn tên của bạn nghĩa là gì?

    Chúng mình hiểu rằng “Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình”. Bạn đã thử quan sát chưa?

    Chúng mình hiểu rằng “Khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn.”. Bạn có đồng tình với quan niệm này không?

    Và còn rất nhiều câu chuyện, bài học được rút ra từ mỗi chương sách qua lời kể, tóm tắt đáng yêu của cậu bé Trí Dũng đang chờ bạn đọc khám phá và chiêm nghiệm. Gấp cuốn sách lại, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” đặt ra câu hỏi liệu rằng trong cuộc sống bộn bề hiện đại, bạn đã nhìn nhận cuộc sống, mọi vật bằng đôi mắt hay trái tim, liệu rằng bạn có bỏ lỡ điều gì và muốn tìm lại không?

    Liệu rằng trong cuộc sống bộn bề hiện đại, bạn đã nhìn nhận cuộc sống, mọi vật bằng đôi mắt hay trái tim, liệu rằng bạn có bỏ lỡ điều gì và muốn tìm lại không?