Category: Sách chữa lành

  • Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Làm thế nào để chế ngự cơn giận đang bùng phát trong ta?

    Một cách nhìn về mới về cơn giận

    Tác giả gọi cơn giận sinh ra trong lòng mình bằng hai từ thật đáng yêu: Em bé. Thật khó lòng để giận dỗi một em bé khi em khóc lóc hay không chịu làm theo những điều người lớn mong muốn. Ngược lại, chúng ta đặc biệt vỗ về, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khắc phục để em bé bình tâm và ngon giấc. Cơn giận cũng vậy, nếu chúng được ôm ấp, vỗ về bằng tuệ giác, sự minh triết để tìm ra ngọn ngành của sự việc thì thay vì phiền lòng, đau khổ hay biến ngọn lửa giận dữ đang sôi sục trong lòng mình sang người khác thì ta sẽ lắng lòng lại để suy nghĩ và hành động thấu đáo hơn.

    Hạt muối khi bỏ vào một ly nước có thể biến ly nước đó mặn hơn nhưng nếu ta lấy một nắm muối rắc vào dòng sông, với khối lượng nước lớn như vậy, dòng sông chỉ có thể hòa tan muối chứ nước không thể chuyển sang vị mặn được. Vì vậy, đây chính là cách nhìn bao dung, rộng rãi hơn đối với những sự việc xảy đến không theo ý muốn của ta. Cách nhìn mới thể hiện ở việc, đối với những sự kiện gây tiêu cực, thay vì giận dữ, tránh xa cơn giận của mình, ta hãy thử làm ngược lại, học cách chấp nhận sự việc xảy ra như vốn có của nó và nhìn sự kiện bằng con mắt của yêu thương. Hãy “ôm ấp em bé sân hận” và cố gắng lắng nghe, thấu hiểu được câu chuyện đằng sau đó. Đó mới chính là lời hóa giải cơn giận tốt nhất.

    Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều này? Làm sao để có thể bình tĩnh, thâm chỉ ôm ấp cả cơn giận của mình?

    Thực tập chế ngự – chuyển hóa cơn giận

    Cái hay ở cuốn sách nằm ở chỗ mỗi khi đưa ra vấn đề, tác giả đều chỉ ra nguyên nhân và sau đó là những bài tập thực hành nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Bài tập đầu tiên chính là sự im lặng. Ngay khi lửa giận đang cao trào nhất, có lẽ việc ta nên làm là KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Một điều có vẻ rất vô lý đang lại thật hợp lý, bởi:

    Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết, không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây nên đổ vỡ mà thôi. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.

    Thực tế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một hoặc hơn một lần trải qua cảm giác này và đâu đó cũng đã phải chịu những hậu quả mang lại do cảm xúc, hành động bộc phát của mình trong cơn giận. Trong vô vàn những sứt mẻ đó, có lẽ sợi dây tình cảm mất đi là khó lấy lại và mang đến nhiều tiếc nuối nhất.

    Bài tập thứ hai: hít thở  trong chánh niệm. Cũng là một bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực tập tập trung, đều đặn: “Thở vào tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi”. Làm như một bà mẹ “Thở vào tôi biết con tôi đang khóc, thở ra tôi chăm sóc con tôi”.

    Những bài tập thở, thiền được tác giả nhắc đến rất cụ thể và tỉ mỉ trong cuốn sách để ai cũng thực tập được. Có lẽ, đây cũng chính là nét nổi bật làm cho những tác phẩm mang tư tưởng Phật giáo tưởng chừng khô khan, giáo điều lại nhận được sự đồng cảm của đông đảo người đọc đến vậy. Thiền sư đã từng bước, từng bước gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp của tư tưởng Phật giáo đến với tâm hồn người đọc, để chúng thấm nhuần vào con người ta và cứ thế thực tập biến nó thành tư tưởng, lẽ sống đẹp trong cuộc đời này.

  • Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Không diệt không sinh đừng sợ hãi

    Tên gọi của cuốn sách cũng chính là tư tưởng xuyên suốt thiền sư muốn gửi tới mọi người. Hiểu một cách đơn giản, đó là quan niệm vạn vật vô thủy – vô chung, nghĩa là không có khởi đầu (không sinh) cũng không có chấm dứt (không diệt). Vì mọi vật không sinh ra cho nên chúng cũng không thể mất đi được, chỉ có sự chuyển hóa, biểu hiện qua lại khác nhau ở từng thời điểm mà thôi.

    Quy luật vô thuỷ vô chung – Không sinh không diệt

    Ta thử hình dung, nước dưới sự tác động của không khí, ánh sáng, bốc hơi bay lên trời thì được gọi là đám mây. Khi nhiều đám mây khác tụ lại, trời tối xầm và bắt đầu mưa thì không còn hình dáng đám mây trên trời nữa, nó đã ẩn mình trong những hạt mưa rơi xuống mặt đất rồi. Như vậy, mây hay mưa thì bản chất vẫn là nước, không phải chúng mất đi mà là ở những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ  hiện hữu trong hình hài khác nhau.

    Tương tự ngọn lửa, bông hoa cũng vậy, chúng vốn có sẵn trong tự nhiên và đang tồn tại ở một dạng thức nào đó, chỉ cần hội tụ đủ  các điều kiện cần có như: khí hậu, nhiệt độ, nước ánh sáng và bàn tay con người, bông hoa sẽ xuất hiện, ánh lửa cũng sẽ bùng lên. Các yếu tố điều kiện này, Người gọi đó là nhân duyên, là những “hạt giống” để vạn vật có điều kiện biểu hiện.

    “Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng rút lui”.

     

    Với cách tư duy này ta thấy rằng, không cần tìm ở đâu xa, không cần một cây đũa  của một vị thần nào cả, cuộc sống quanh ta cũng là đã là một phép nhiệm màu. Chỉ cần ta hội tụ đủ yếu tố nhân duyên, khi ta gieo trồng những điều kiện cần thiết, vạn vật sẽ biểu hiện.

    Hiểu theo cách này thì những người thân yêu của chúng ta cũng vậy, họ không mất đi mà chỉ là họ đang biểu hiện ở một hình thái khác, có thể là trong trái tim, trong kí ức những người yêu thương. Mỗi lần ta nhắc nhớ đến họ, bằng tình cảm, sự yêu thương nồng ấm của ta, họ lại xuất hiện lần nữa nhưng ở một trạng thái khác mà thôi.

    Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều’

    Thực tập nhìn sâu

    Lặp đi lặp lại sau những lần diễn giải về bản chất sự vật, con người, thiền sư luôn nhắc nhở chúng ta một điều, đó là thực tập nhìn sâu để chuyển hóa những nỗi lo lắng sợ hãi của mình. Chúng ta nhìn sâu vào vạn vật để thấy vạn vật không sinh không diệt mà chúng tồn tại trong nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thực tập nhìn sâu giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của sự vật, khi  đó chúng ta nhìn đám mây không chỉ là hình ảnh đơn thuần của chúng ở trên bầu trời nữa mà còn hình hài của nước trên những dòng sông, con suối dưới mặt đất. Chúng ta nhìn thấy được ở bông hoa là bàn tay của người vun trồng, chăm sóc. Đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy trong mình hình dáng của ba mẹ, của tổ tiên bởi chính những thế hệ đi trước đã ươm mầm những hạt giống tốt lành để chúng ta được “biểu hiện” ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta biết trân trọng và sống có trách nhiệm với bản thân hơn, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng đang gieo những hạt giống tốt lành cho thế hệ con cháu mai sau.

     

    Khi hiểu và thực tập nhìn sâu, chúng ta thấy hạnh phúc cũng vậy, nó không ở đâu xa, hạnh phúc cũng đang nằm trong tầm tay ta đấy thôi. Nếu mỗi người chúng ta biết gieo trồng những hạt giống tốt của sự chân thành, tử tế thì một ngày nào đó, những điều mà ta mong, những người mà ta muốn gặp ắt sẽ xuất hiện. Việc chúng ta cần làm là kiên định, cố gắng mỗi ngày để rèn luyện tu dưỡng bản thân thật tốt, toàn diện để khi có cơ hội, những hạt giống mà ta gieo trồng sẽ nở hoa, những bông hoa có sắc có hương, chứ không phải tàn phai theo gió. Giá trị và những điều tốt đẹp của mỗi người sẽ là điều còn mãi ngay cả khi họ  ‘ngừng biểu hiện’.

  • Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Người kiên trì đọc sách trong thời gian dài, tâm tính sẽ thay đổi ở 3 phương diện

    Đọc sách là chuyện đơn giản nhất, bỏ ra vốn nhỏ nhưng thu được lời to, ai cũng có thể đọc sách, chỉ cần bạn sẵn sàng, bạn có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

    Đọc sách là một trong số ít những chuyện trong cuộc sống mà chúng ta có thể tự mình kiểm soát và nắm bắt. Cuộc sống thăng trầm, trên thực tế, xét về nhiều mặt, nó đôi khi không được theo ý muốn của chúng ta, nhưng đọc sách thì lại khác, có thể do chính mình quyết định. Bạn có thể đọc nếu bạn muốn, chẳng ai quản bạn.

    Tam Mao, một nhà văn, dịch giả Đài Loan nói: đọc nhiều sách rồi, dung mạo tự nhiên sẽ thay đổi, đôi khi sẽ cảm thấy những cuốn sách mình đọc qua giống như mây khói thoảng qua, không nhớ nhiều về chúng, nhưng chúng thực ra vẫn tiềm tàng bên trong khí chất, trong cách nói chuyện và trong tâm hồn của bạn.

    Vì vậy, khí chất của bạn tiềm ẩn những cuốn sách mà bạn từng đọc qua.

    01

    Người kiên trì đọc sách, tính cách sẽ trở nên ôn hòa hơn

    Nhà văn, phóng viên Chai Jing trong cuốn sách mang tên “Nhìn thấy” kể một câu chuyện như này: có một lần cô ấy đi phỏng vấn ông chủ của một doanh nghiệp lớn, câu hỏi mà cô đặt ra vô cùng sắc bén và nhạy cảm, cách đặt vấn đề của cô cũng có phần hấp tấp, quyết liệt, thậm chí hơi lỗ mãng.

    Sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, vị doanh nhân đã nói với Chai Jing rằng: cô rất thông minh, có quan điểm của mình, nhưng lại không vững, có một cảm giác rất hấp tấp, kiểu “tuổi trẻ bồng bột”, cô có thể cân bằng lại bản thân thông qua đọc sách.

    Tôi tin rằng những lời khuyên mà vị doanh nhân đó dành cho Chai Jing là vô cùng chân thành, bởi lẽ ông ấy thấy được sự nhiệt huyết của một phóng viên đang đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Về phần Chai Jing, cô có thể đem câu chuyện này viết vào trong sách của mình, điều đó có nghĩa là cô ấy cũng đồng ý và tiếp nhận lời khuyên này.

    Người bốc đồng, hấp tấp, vội vàng, nên đọc nhiều sách hơn, kiên trì đọc sách sẽ làm dịu bớt sự nóng nảy trong tính cách của mình. Có thể bạn sẽ không nhận ra được những thay đổi một cách nhanh chóng, nhưng lâu dần, một ngày nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn thói quen đọc sách này của mình.

    02

    Người kiên trì đọc sách, nhìn vấn đề sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn

    Đọc câu chuyện của người khác, rồi ngẫm về cuộc đời mình, nhiều khi bạn sẽ nhận ra được sự phản chiếu trong đó. Hàng trăm năm trước, trạng thái tâm lý của nhân vật, suy nghĩ về cuộc sống của họ trong những hoàn cảnh nhất định, sự hoảng sợ và vật lộn đối mặt với cuộc sống, thực ra cũng không khác nhiều so với người hiện đại khi đối mặt với cuộc sống của chính họ ngày nay. Nói cách khác, bản chất con người không thay đổi nhiều.

    Những người đọc sách lịch sử có thể cảm thấy sâu sắc hơn. Sự thăng trầm của thế giới, dòng chảy, thời gian, không gian khác nhau, nhưng luôn có chung một câu chuyện. Các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục thực hiện các quy tắc và trò chơi tương tự lặp đi lặp lại.

    Vì vậy, khi bạn đọc nhiều những thứ như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng hiện thực cuộc sống có thể sẽ không lệch khỏi phương hướng mà nó nên đi. Nếu bạn tham khảo, bạn có lẽ sẽ ngộ ra được lộ trình hoặc quỹ đạo trong sự phát triển của một sự vật nào đó.

    Người kiên trì đọc sách sẽ “ngắm” được rất nhiều thứ, vì vậy, khi bạn suy ngẫm về cuộc sống của mình, rồi xem xem câu chuyện của những người xung quanh, bạn sẽ trở nên khách quan và thực tế hơn. Bạn sẽ không còn quá cho mình là nhất hay quá tự ti về bản thân. Bạn sẽ dùng một ánh mắt sắc bén, một cái nhìn đa chiều hơn để quan sát cuộc sống, từ đó sống một cuộc sống phong phú và trọn vẹn hơn.

    03

    Người kiên trì đọc sách, tâm thái sẽ trở nên nhã nhặn, phóng khoáng hơn

    Một nhà Nho nói: khí chất của con người, rất khó thay đổi, chỉ có đọc sách mới có thể thay đổi được nó.

    Đọc sách có thể giúp ai đó thay đổi từ một người thích tranh luận, để tâm quá nhiều, thậm chí là bảo thủ thành một người rộng rãi linh hoạt, nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn.

    Đọc sách là quá trình học hỏi và tham khảo tư tưởng cũng như trải nghiệm của người khác, đó cũng được xem là kinh nghiệm sống. Khi bạn có nhiều thông tin trong đầu, bạn sẽ có nhiều tài liệu tham khảo hơn, và khi tình huống tương tự xảy ra, bạn sẽ có thể tìm ra được một gợi ý để giải quyết vấn đề.

    Đọc sách thực chất là nói chuyện với những con người thông minh và cao thượng. Sách là nhịp cầu vượt qua giới hạn của thời gian và không gian, gắn kết những con người không liên quan, những con người khiêm tốn và những con người vĩ đại lại với nhau để họ cùng nhau giao lưu, tâm sự về cuộc sống. Càng đọc nhiều sách, chúng ta sẽ càng bớt bối rối về tinh thần, mở rộng tầm nhìn và mở rộng cả tâm hồn.

    Tôi thường xuyên cho rằng đọc sách là một việc giống như kiểu “há miệng chờ sung” vậy, là một việc quá hời cho người đọc, bởi lẽ chúng ta có thể đọc được sự kết tinh của trí tuệ của người khác mà không cần bỏ ra thời gian suy nghĩ, viết lách, chỉnh sửa hay in ấn…

    Khi cô đơn, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy cô độc.

    Khi trống rỗng, đọc sách khiến tôi không còn cảm thấy muộn phiền.

    Khi buồn bã, đọc sách khiến tôi giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

    Khi bi quan, đọc sách khiến tôi phấn chấn lại tinh thần…

    Nguồn Internet, tác giả Hân Vũ

  • Hiểu về trái tim

    Hiểu về trái tim

    Trái tim không chỉ là sự sống, nó còn là biểu tượng cho tâm hồn mỗi con người. Một tâm hồn chứa đựng mọi hỉ – nộ – ái – ố của cuộc đời. Trong tác phẩm của mình, tác giả chia thành khá nhiều chương, các chương được song hành theo cặp, như: hạnh phúc – khổ đau, ghen tuông – tha thứ, che đậy – thành thật, tuyệt vọng – niềm tin… Các cặp phạm trù đó khi thì đối lập, khi thì bổ sung cho nhau. Điều đặc biệt là trong cuốn sách tác giả không quá tập trung vào giải pháp như những cuốn sách hiện thời mà ta có thể bắt gặp đâu đó với tiêu đề như: “Làm thế nào để..,” hay “ Những nguyên tắc để…”. Tác giả tập trung vào cắt nghĩa tầng lớp, nguồn cơn của mỗi loại cảm xúc hay tư tưởng mà trong xã hội hiện đại với nhịp sống bộn bề, chúng ta vì vô tình hay hữu ý thường không cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng. Hay nói cách khác là muốn giải quyết được vấn đề tận gốc, điều đầu tiên và cực kỳ quan trọng tác giả muốn gửi gắm chính là phải tìm hiểu được nguyên nhân sinh ra vấn đề. Nhân nào quả nấy – triết lý nhà Phật được ứng dụng một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

     

    Trong cuộc sống, có những sự việc nhìn vậy nhưng chưa chắc là đã vậy. Đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đó là câu nói mà ông bà ta để lại để khuyên nhau đừng nhìn sự vật một cách phiếm diện, bề ngoài. Còn thiền sư gợi ý cho chúng ta một cách nhìn mới để hiểu mình, hiểu người. Đó chính là lắng nghe. Xin lưu ý, tác giả dùng từ ở đây chính là “lắng nghe”. “Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề.” Một quan niệm hay, đáng để suy ngẫm. Lắng lòng một chút, nhớ lại xem, bản thân mình đã thực sự lắng nghe trái tim, lắng nghe người khác đúng nghĩa hay chưa?

    Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề. 

    Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, thiền sư đúc kết rằng “Chỉ cần hiểu câu chuyện của trái tim, tự khác mỗi người sẽ quyết định được câu chuyện của chính mình”. Thấu hiểu rằng mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc bản, hạnh phúc hay khổ đau trong cảm nhận tâm can của mỗi người là không giống nhau. Chính ta, chứ không phải một ai khác mới là người đang trải qua những vận hạnh của mình. Và nếu như, ta có một nội tâm trong lành, một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn thì ắt hẳn sẽ nhìn thấu được bản chất, thích ứng với thời cuộc. Câu trả lời không ở đâu xa, đáp án nằm trong một trái tim hiểu biết, sáng suốt. Từ đó, ta cũng hiểu rằng:

                 “Không thể cầu cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng ta có thể nguyện cho mình không bị gục ngã trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ trái tim”.

  • Học cách yêu con

    Học cách yêu con

    Hãy yêu thương

    Mọi vấn đề xung đột giữa người và người đều bắt đầu từ cái tôi. Bởi vậy, ở phương Tây, có một ngôi trường mà ở đó các nhà phân tâm học đề xuất rằng, chừng nào đứa trẻ còn được nuôi dưỡng bởi cha mẹ thì chừng đó thế giới này sẽ không có được sự bình yên. Đề xuất của các nhà phân tâm học chứa một phần sự thật. Đó là, nếu trẻ em không được sống trong tình yêu thương, sự chở che từ cha mẹ thì chúng cũng sẽ không hình thành nên cái tôi. Tuy nhiên, ý tưởng đó chứa phần nhiều nguy hiểm. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự thờ ơ và thiếu tình  yêu thương, chúng có thể sẽ không gặp vấn đề về cái tôi nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề khác, có khi còn nguy hiểm hơn nhiều. Chúng sẽ là một mớ hổ lốn, một kẻ lóng ngóng, vụng về, không biết mình là ai. Thậm chí chúng sẽ luôn sợ hãi vì cảm giác không một ai yêu thương chúng.

    Một đứa trẻ, cũng như tất cả chúng ta, cần tình yêu để không cảm thấy sợ hãi, để cảm thấy rằng mình được chấp nhận, mình có phần đặc biệt, và mình có sức mạnh nội sinh. Nếu trẻ em được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu vắng tình yêu chúng sẽ có thể không có nhiều vấn đề về cãi vã nhưng chúng sẽ không có sức mạnh để đứng lên sau những vấp ngã của cuộc đời. Chúng có thể trở nên lập dị và lệch tâm. Đó cũng không phải là tình  huống hay ho. Vậy nên chúng ta cũng không cần phải quá nghiêm khắc và thiết quân luật khi con chúng ta còn là một đứa trẻ.

    Một đứa trẻ, cũng như tất cả chúng ta, cần tình yêu để không cảm thấy sợ hãi, để cảm thấy rằng mình được chấp nhận, mình có phần đặc biệt, và mình có sức mạnh nội sinh.

    Đừng can thiệp

    Nếu món quà lớn nhất mà các bậc cha mẹ có thể dành cho con cái là tình yêu thương thì điều tốt đẹp mà cha mẹ dành cho con thực chất đó là việc đừng can thiệp. Mọi cách thức nhằm đỡ đầu đứa trẻ đều sai. Chính ý nghĩ đó đã là không đúng. Đứa trẻ cần tình yêu chứ không cần sự giúp đỡ. Trên thực tế, cha mẹ can thiệp quá nhiều và quá sâu vào cuộc sống của con cái. Và bởi danh nghĩa  là sự giúp đỡ người khác nên không ai từ chối. Dĩ nhiên, đứa trẻ cũng còn quá nhỏ để từ chối.

    Và đây là một trong những việc khó khăn nhất của những bậc làm cha làm mẹ. Đó là đừng can thiệp. Tất cả những  gì bạn cần làm và nên làm là hãy yêu thương và đừng can thiệp. Hãy ấm áp và và hãy chấp nhận. Đứa trẻ có một năng lực tiềm ẩn, và không có cách nào biết được nó sẽ trở thành người thế nào. Do đó, bạn không thể đề xuất: “Anh nên giúp đứa trẻ theo cách này”. Mỗi đứa trẻ là duy nhất, do đó không có cách chung nào cho tất cả.

    Cách đúng đắn nhất là không giúp gì cả. Nếu bạn thực sự can đảm, đừng giúp gì cả. Chỉ cần yêu thương và nuôi dưỡng những  đứa trẻ. Hãy để những đứa trẻ làm điều chúng muốn, đến nơi nó thích, ăn món chúng thấy hấp dẫn, chơi trò chơi chúng  yêu.  Cách bày tỏ tình yêu đối với đứa trẻ là để chúng hoàn toàn vô tư, không bị gò bó trong bảy năm đầu đời, để nó được hoàn toàn tự do, không theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Đó mới là tình yêu đúng nghĩa mà cha mẹ cần trao đi cho con cái của mình.

    Nếu bạn thực sự can đảm, đừng giúp gì cả. Chỉ cần yêu thương và nuôi dưỡng những  đứa trẻ.

  • Hành trình về phương Đông – Hãy đọc khi rơi vào khủng hoảng

    Hành trình về phương Đông – Hãy đọc khi rơi vào khủng hoảng

    Có lẽ khi người ta bị rơi vào hố sâu của tuyệt vọng, thì hạnh phúc là khi được nhìn thấy một tia sáng chiếu xuống. Và tia sáng đó của mình có lẽ chính là cuốn sách: “ Hành trình về Phương Đông”. Khi bạn 3 tuổi, bạn khủng hoảng vì phải đi học mẫu giáo, nhưng khi bạn 22 tuổi, bạn cũng khủng hoảng vì buộc phải tốt nghiệp đại học nghĩa là không ai nuôi bạn nữa, và bạn phải tự mình vật lộn với đời. Mình của những ngày 22, 23 tuổi đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng đó. Lúc đó công việc bấp bênh, bắt nạt từ ma cũ, tình yêu dở dang, cảm giác thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Vậy là mỗi ngày, sau một công việc nhàm chán, mình lại nằm dài lên giường, chán nản, sợ hãi, trầm cảm, mang trong mình sức trẻ nhưng lại sống như cái xác không hồn ngày này qua tháng khác. Rồi tới một ngày, vô tình bắt gặp audio về cuốn sách Hành trình về phương Đông, lúc đầu mình chỉ thu hút bởi giọng đọc rất cuốn hút, và rồi từ từ mình bị cuốn vào nó lúc nào không hay.

    Tác giả đã dẫn mình từ sự u mê này tới sự u mê khác, nhưng là một sự u mê mạch lạc, là khi đã cầm cuốn sách lên thì khó để có thể bỏ xuống. Những điều tưởng chừng như vô lý, những hiện tượng mà có lẽ khoa học có lẽ khó giải thích, sức mạnh tiềm ẩn bên trong của con người, lòng nhân ái sẽ đưa chúng ta đi xa hơn và vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời này… Đôi khi mình thắc mắc, tại sao mình lại sinh ra trên cõi đời này, tại sao mình lại sống, tại sao lại như thế này, mà không phải như thế khác… Nhưng tất cả đã được lý giải, cặn kẽ, chi tiết, và đầy thuyết phục trong cuốn sách. Từ một con người sợ ma, sợ chết, sợ đủ thứ, mình đã mạnh mẽ và sống có mục đích hơn rất nhiều. Cái giá của trưởng thành là không biết tâm sự cùng ai, và có lẽ không phải ai cũng đủ hiểu mình để tâm sự, rồi rơi vào một trạng thái vô định, nhưng những lúc như vậy hãy tìm đến sách, khi đủ duyên để được gặp và được đọc một cuốn sách đầy chân lý, bạn sẽ thấy tim mình như bừng sáng lên vậy đó.

    Lòng nhân ái sẽ đưa chúng ta đi xa hơn và vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời này

    Rồi sau đó mỗi ngày mình đều nghe radio, mua sách về đọc. Mình đã không dưới 10 lần mua rồi tặng, mua rồi tặng cuốn sách này cho người khác.Và giờ đây khi mình đã gần 30 tuổi, trong phòng mình vẫn luôn có cuối sách này, để mỗi lúc thấy thiếu động lực, mệt mỏi, mình lại lôi nó ra đọc. “Your life is your message to the world. Make sure it’s inspiring.” ― Cuộc đời bạn chính là thông điệp của bạn gửi đến thế giới này. Hãy truyền đi một thông điệp tích cực và đầy cảm hứng. Mình rất thích câu nói này, và hôm nay mình truyền cảm hứng của cuốn sách này tới mọi người này. Enjoy nó thật nhiều nhé, rồi bạn sẽ bắt gặp bạn ở một phiên bản tốt hơn rất nhiều.

  • Tư duy tích cực, sống lạc quan và không ngừng nỗ lực

    Tư duy tích cực, sống lạc quan và không ngừng nỗ lực

    Nhân dịp thôn bị phong tỏa vì có ca F0 mà bác dân phố đứng gác ở ở đầu cổng gì gỉ gì gi, cái gì cũng hông biết đã khiến bao anh chị em bên trong đau đầu ngán ngẩm & quay xe hết lượt. Thôi thì, mình cũng có cơ hội đọc nốt và “dì viu” về cuốn sách chị gái mới tặng dựa trên nguyện vọng của cô em gái lắm lời một tí.

    “Mặt phải” là cuốn sách minh chứng cho lối tư duy, góc nhìn thay đổi cách sống, số phận của mỗi người. Không phải ai sinh ra từ nghịch cảnh cũng có thể bị đánh bại và tự vùi dập mình trong hố sâu của sự bi quan, tuyệt vọng, buông xuôi! Ngược lại, rất nhiều người trong bùn và học cách sống của sen, chọn mọc lên từ bùn tanh mà xinh đẹp vươn mình đón ánh nắng mặt trời và tỏa ngát hương thơm, chọn cách sống của cỏ để nảy lên và “xanh mát đến kiệt cùng”.

    Thực tế, mỗi ngày lớn lên, va chạm với nhiều thứ hơn, chúng mình không khỏi có cảm giác cuộc sống thật khó khăn, bất lực, mình với cuộc đời là một chiến tuyến đối đầu nhau, vì thế mình phải nỗ lực phải bước lên, đi tiếp. Tuy nhiên, từ lý thuyết, từ mong mỏi, từ giấc mơ đổi đời đến hành động để hiện thực hóa nó là một khoảng cách rất vô cùng, tưởng chừng rất gần mà cũng có khi thật xa – như Crush của mình vại. Đôi khi, dành cho mình chút thời gian, pha một ly trà ấm, mở tung cửa sổ của căn phòng và thư thái đọc một cuốn sách cũng thật là thi vị. Với mình.

    “Mặt phải” đưa mình đến những vùng đất khác nhau, những con người ở nhiều độ tuổi, công việc, hoàn cảnh sống không giống nhau. Họ gặp nhau ở điểm chung là đều trải qua những biến cố to lớn có thể đánh bại bất kỳ một ai nhưng tất thảy đều mang trong mình một tư duy tích cực, một tinh thần kiên định, chấp nhận thực tế, lạc quan để đi lên từ nghịch cảnh. Họ tự mình buông bỏ chứ không hề buông xuôi.
    Phải thấy là, chúng mình – đặc biệt là trái tim non nớt như em đây khá nhạy cảm với sự so sánh, nhưng trong trường hợp này, mình mạn phép làm điều đó để đổi màu lăng kính chưa sáng của mình. Ừ thì, cuộc sống không màu hồng mà còn nhiều màu khác nữa để mình khám phá, trải nghiệm thay vì đi trên một đường mòn cũ không lối ra. Hihi.

    Thay đổi thế giới bên ngoài thật khó, chúng mình hầu hết không phải là ông vua của nước nọ, vì muốn đi đường bớt đau chân đã sai quân lính của mình lót da trải thảm khắp đường vua đi. Thật là tốn kém. Đơn giản và thiết thực hơn, nhanh tay order cho mình một đôi giày thật bền và êm chân để chiến đấu trên mọi mặt trận thôi. Đúng vậy, chúng mình hoàn toàn có thể bồi dưỡng nội tâm, sức mạnh nội tại để hòa nhập, làm bạn với cuộc đời. Nghĩ một cách tích cực như cuốn tư duy theo kiểu “Mặt phải” chính là “tìm cơ hội ẩn mình trong nghịch cảnh”. Nhờ vậy, mình cảm nhận được mỗi ngày được sống là một cơ hội mới để vươn lên và thay đổi. Bản thân sinh ra với hình dáng toàn vẹn, có một công việc để làm, một nơi để đi về, âu cũng là một hạnh phúc rất đời thường, đáng trân trọng. Thật may mắn vì những biến cố, những điều tăm tối nhất của cuộc đời như một căn bệnh nan y, mất đi một phần cơ thể, người thân yêu, cảnh phá sản nợ nần,vv … những hoàn cảnh éo le của những nhân vật có thật trong cuốn sách…chưa xảy đến với bản thân, để mỗi ngày mình có thêm một cơ hội thay đổi. Điều phi thường cũng không đến từ đâu xa, nó ở ngay trong mỗi chúng ta.

    Mỗi ngày được sống là một cơ hội mới để vươn lên và thay đổi. Bản thân sinh ra với hình dáng toàn vẹn, có một công việc để làm, một nơi để đi về, âu cũng là một hạnh phúc rất đời thường, đáng trân trọng

    Tóm lại, với “Mặt phải” mình hiểu và thấm thía hơn những điều mà nhiều người cũng biết, đó là:

    • Tư duy tích cực
    • Sống lạc quan
    • Không ngừng nỗ lực

    Và quan trọng nhất chính là, học cách chấp nhận thực tế muôn màu, nếu chưa chọn được cho mình được màu ưng ý, thì hãy mạnh dạn thử các màu khác nhau để tìm ra lối đi cho mình. Lại đùa! Mà thật. Hihi. Vâng, quan trọng nhất là học cách lắng nghe Nội tâm của mình.

    Nội tâm của mỗi người cũng như một hạt giống, có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết, con người, đất đai, gọi tắt là hoàn cảnh sống nhưng nếu mình biết bồi dưỡng năng lượng bên trong, gieo vào lòng những mầm giống tốt như sự tư tế, tinh thần lạc quan, hòa mình chung sống, kiên trì hành động theo đuổi thì những điều tốt đẹp, trái ngọt cũng dần đến với bác nông dân.

    Lưu Hồng