Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Tên gọi của cuốn sách cũng chính là tư tưởng xuyên suốt thiền sư muốn gửi tới mọi người. Hiểu một cách đơn giản, đó là quan niệm vạn vật vô thủy – vô chung, nghĩa là không có khởi đầu (không sinh) cũng không có chấm dứt (không diệt). Vì mọi vật không sinh ra cho nên chúng cũng không thể mất đi được, chỉ có sự chuyển hóa, biểu hiện qua lại khác nhau ở từng thời điểm mà thôi.

Quy luật vô thuỷ vô chung – Không sinh không diệt

Ta thử hình dung, nước dưới sự tác động của không khí, ánh sáng, bốc hơi bay lên trời thì được gọi là đám mây. Khi nhiều đám mây khác tụ lại, trời tối xầm và bắt đầu mưa thì không còn hình dáng đám mây trên trời nữa, nó đã ẩn mình trong những hạt mưa rơi xuống mặt đất rồi. Như vậy, mây hay mưa thì bản chất vẫn là nước, không phải chúng mất đi mà là ở những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ  hiện hữu trong hình hài khác nhau.

Tương tự ngọn lửa, bông hoa cũng vậy, chúng vốn có sẵn trong tự nhiên và đang tồn tại ở một dạng thức nào đó, chỉ cần hội tụ đủ  các điều kiện cần có như: khí hậu, nhiệt độ, nước ánh sáng và bàn tay con người, bông hoa sẽ xuất hiện, ánh lửa cũng sẽ bùng lên. Các yếu tố điều kiện này, Người gọi đó là nhân duyên, là những “hạt giống” để vạn vật có điều kiện biểu hiện.

“Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng rút lui”.

 

Với cách tư duy này ta thấy rằng, không cần tìm ở đâu xa, không cần một cây đũa  của một vị thần nào cả, cuộc sống quanh ta cũng là đã là một phép nhiệm màu. Chỉ cần ta hội tụ đủ yếu tố nhân duyên, khi ta gieo trồng những điều kiện cần thiết, vạn vật sẽ biểu hiện.

Hiểu theo cách này thì những người thân yêu của chúng ta cũng vậy, họ không mất đi mà chỉ là họ đang biểu hiện ở một hình thái khác, có thể là trong trái tim, trong kí ức những người yêu thương. Mỗi lần ta nhắc nhớ đến họ, bằng tình cảm, sự yêu thương nồng ấm của ta, họ lại xuất hiện lần nữa nhưng ở một trạng thái khác mà thôi.

Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều’

Thực tập nhìn sâu

Lặp đi lặp lại sau những lần diễn giải về bản chất sự vật, con người, thiền sư luôn nhắc nhở chúng ta một điều, đó là thực tập nhìn sâu để chuyển hóa những nỗi lo lắng sợ hãi của mình. Chúng ta nhìn sâu vào vạn vật để thấy vạn vật không sinh không diệt mà chúng tồn tại trong nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau. Thực tập nhìn sâu giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của sự vật, khi  đó chúng ta nhìn đám mây không chỉ là hình ảnh đơn thuần của chúng ở trên bầu trời nữa mà còn hình hài của nước trên những dòng sông, con suối dưới mặt đất. Chúng ta nhìn thấy được ở bông hoa là bàn tay của người vun trồng, chăm sóc. Đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy trong mình hình dáng của ba mẹ, của tổ tiên bởi chính những thế hệ đi trước đã ươm mầm những hạt giống tốt lành để chúng ta được “biểu hiện” ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta biết trân trọng và sống có trách nhiệm với bản thân hơn, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng đang gieo những hạt giống tốt lành cho thế hệ con cháu mai sau.

 

Khi hiểu và thực tập nhìn sâu, chúng ta thấy hạnh phúc cũng vậy, nó không ở đâu xa, hạnh phúc cũng đang nằm trong tầm tay ta đấy thôi. Nếu mỗi người chúng ta biết gieo trồng những hạt giống tốt của sự chân thành, tử tế thì một ngày nào đó, những điều mà ta mong, những người mà ta muốn gặp ắt sẽ xuất hiện. Việc chúng ta cần làm là kiên định, cố gắng mỗi ngày để rèn luyện tu dưỡng bản thân thật tốt, toàn diện để khi có cơ hội, những hạt giống mà ta gieo trồng sẽ nở hoa, những bông hoa có sắc có hương, chứ không phải tàn phai theo gió. Giá trị và những điều tốt đẹp của mỗi người sẽ là điều còn mãi ngay cả khi họ  ‘ngừng biểu hiện’.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *