Trái tim không chỉ là sự sống, nó còn là biểu tượng cho tâm hồn mỗi con người. Một tâm hồn chứa đựng mọi hỉ – nộ – ái – ố của cuộc đời. Trong tác phẩm của mình, tác giả chia thành khá nhiều chương, các chương được song hành theo cặp, như: hạnh phúc – khổ đau, ghen tuông – tha thứ, che đậy – thành thật, tuyệt vọng – niềm tin… Các cặp phạm trù đó khi thì đối lập, khi thì bổ sung cho nhau. Điều đặc biệt là trong cuốn sách tác giả không quá tập trung vào giải pháp như những cuốn sách hiện thời mà ta có thể bắt gặp đâu đó với tiêu đề như: “Làm thế nào để..,” hay “ Những nguyên tắc để…”. Tác giả tập trung vào cắt nghĩa tầng lớp, nguồn cơn của mỗi loại cảm xúc hay tư tưởng mà trong xã hội hiện đại với nhịp sống bộn bề, chúng ta vì vô tình hay hữu ý thường không cân nhắc và xem xét kĩ lưỡng. Hay nói cách khác là muốn giải quyết được vấn đề tận gốc, điều đầu tiên và cực kỳ quan trọng tác giả muốn gửi gắm chính là phải tìm hiểu được nguyên nhân sinh ra vấn đề. Nhân nào quả nấy – triết lý nhà Phật được ứng dụng một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Trong cuộc sống, có những sự việc nhìn vậy nhưng chưa chắc là đã vậy. Đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đó là câu nói mà ông bà ta để lại để khuyên nhau đừng nhìn sự vật một cách phiếm diện, bề ngoài. Còn thiền sư gợi ý cho chúng ta một cách nhìn mới để hiểu mình, hiểu người. Đó chính là lắng nghe. Xin lưu ý, tác giả dùng từ ở đây chính là “lắng nghe”. “Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề.” Một quan niệm hay, đáng để suy ngẫm. Lắng lòng một chút, nhớ lại xem, bản thân mình đã thực sự lắng nghe trái tim, lắng nghe người khác đúng nghĩa hay chưa?
“Phải “ lắng” thì mới nghe được. Nghe mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta sai lệch vấn đề.
Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, thiền sư đúc kết rằng “Chỉ cần hiểu câu chuyện của trái tim, tự khác mỗi người sẽ quyết định được câu chuyện của chính mình”. Thấu hiểu rằng mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc bản, hạnh phúc hay khổ đau trong cảm nhận tâm can của mỗi người là không giống nhau. Chính ta, chứ không phải một ai khác mới là người đang trải qua những vận hạnh của mình. Và nếu như, ta có một nội tâm trong lành, một trí tuệ sáng suốt, minh mẫn thì ắt hẳn sẽ nhìn thấu được bản chất, thích ứng với thời cuộc. Câu trả lời không ở đâu xa, đáp án nằm trong một trái tim hiểu biết, sáng suốt. Từ đó, ta cũng hiểu rằng:
“Không thể cầu cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng ta có thể nguyện cho mình không bị gục ngã trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ trái tim”.
Leave a Reply