12 khúc ca trong cuốn sách là 12 câu chuyện lịch sử về các vị vua đã có công dựng nước và giữ nước. Tác giả không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… mà còn kể đến những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực như Khúc Hạo, hay những địa danh bị bụi thời gian phủ mờ như thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại. Tác phẩm lịch sử không hề khô khan bởi tác giả đã lựa chọn được những điểm ly kỳ, hấp dẫn để kể lại từ đó mà hậu thế có thể có được một hình dung sinh động về quá khứ. Như việc phân tích về kỹ thuật đóng cọc trên sông Bạch Đằng giúp người anh hùng Ngô Quyền chấm dứt hơn 1000 năm Bắc Thuộc. Hay việc giải đáp chuyện bí ẩn vua Quang Trung hành quân thần tốc, lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay…
Sử việt 12 khúc tráng ca hấp dẫn còn bởi lịch sử các vương triều Việt Nam được kể lại với những cuộc tranh đoạt ngôi vương, những mâu thuẫn nội tộc, những vụ án ly kỳ và cả những nghi án lịch sử. Nếu lịch sử Trung Hoa kỳ vĩ và hấp dẫn hậu thế bởi đã khai thác thành công những yếu tố đó thì chắc chắn rằng, nếu sử Việt thật sự được khai thác một cách triệt để nhất, độ hấp dẫn ly kỳ cũng chẳng kém ai.
Điều đặc biệt là từ những câu chuyện lịch sử tác giả đã đúc kết thành những bài học quý. Nếu công lao của dòng họ Khúc là kiện toàn hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương với những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở để tạo tiền đề cho Ngô Quyền 30 năm sau chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc một cách đường đường chính chính thì rõ ràng, bài học mà tiền nhân để lại chính là: “Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.
“Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.

Hay như khi phân tích về bi kịch mất nước của nhà Hồ, tác giả đã làm rõ bài học về lòng dân. Sở dĩ giang sơn dù thuộc về nhà Hồ, nhưng lòng dân thì không ở họ Hồ nên vương triều này đã không thể đối đầu với quân Minh. Trước khi chiến tranh xảy ra, Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. 600 năm rồi câu nói ấy vẫn chứa bao uẩn ức và là một bài học mà hậu thế không bao giờ được phép lãng quên.
Tuy nhiên cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn nếu không có một số sai sót. “Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Nguyễn Thái Tổ, niên hiệu Gia Long” (trang 255). Ngoài vấn đề danh hiệu, vì khi đó Nguyễn Ánh mới xưng vương, phải đến năm 1806 mới xưng là hoàng đế, thì miếu hiệu Nguyễn Thái Tổ là một nhầm lẫn lớn.
Bởi vì sau khi vua Gia Long mất, triều thần mới đặt miếu hiệu của ông là Nguyễn Thế Tổ. Miếu hiệu “Thái Tổ” được vua Gia Long dành để suy tôn cho chúa Nguyễn Hoàng, tổ khai nghiệp ra các đời chúa Nguyễn, và lúc đương thời chỉ xưng là “Tiên vương” (Chúa Tiên).
Hay trang 252 có đoạn: “Võ Văn Dũng với Lê Văn Duyệt cũng định “vây Ngụy cứu triệu”, khi dự định tấn công Phú Yên hòng đánh về Gia Định nhưng lại bị Nguyễn Văn Thành chặn lại”. Đọc câu này, đọc giả yêu lịch sử sẽ phải chững lại rồi ngẫm ra: Võ Văn Dũng là tướng của nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt là tướng nhà Nguyễn, sao lại cùng nhau cầm quân đánh một tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thành? Ở đây, tên Trần Quang Diệu phải thay vào chỗ tên Lê Văn Duyệt mới đúng.
Hoặc có khi tác giả có lẽ không chú ý tính logic của vấn đề khi cho rằng năm 1558, Nguyễn Hoàng và các bề tôi thân tín của mình vào Nam và “sẽ phải nằm xuống ở nơi đất khách quê người và phải 250 năm sau, hậu duệ của họ mới có thể quay lại mảnh đất Thăng Long” (trang 208)…Trong khi ngay trang sau, tác giả đã nhắc lại việc Nguyễn Hoàng đưa quân Bắc ra giúp vua Lê, chúa Trịnh trong suốt 8 năm, từ 1592 (trong sách ghi nhầm thành 1692) đến tận năm 1600 mới thật sự trở về Thuận Hóa lần cuối….
Tuy nhiên cũng bởi người viết cũng như người soát bản thảo không phải là dân chuyên ngành nên mới để xảy ra những sai sót đáng tiếc như vậy. Dẫu vậy, nhìn một cách tổng thể, đây vẫn là một cuốn sách hay, đáng đọc và nên đọc.
Leave a Reply