Category: Lịch sử – Chính trị

  • Có một đường mòn trên biển Đông

    Có một đường mòn trên biển Đông

    Những con người bình thường vĩ đại

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

    Chiến tranh kết thúc, dấu tích của con đường huyền thoại cũng chìm sâu trong mặt biển mênh mông, câm lặng. Nhà văn Nguyên Ngọc với ngòi bút giàu tình cảm, đã kể lại cho người đọc hành trình đi tìm lại những con người từng góp công sức lớn lao xây dựng nên con đường mòn trên biển – những con người anh dũng, quả cảm, trí tuệ, tài năng mà chưa một lần được sử sách ghi danh hay có chăng chỉ là dòng chữ ngắn ngủi.

    Giai đoạn mở đường với nhiệm vụ: phải đi khảo sát vùng bờ biển Bà Rịa, tìm nơi lập bến, cho người ra Bắc đón tàu dẫn súng đạn về. Có những con người, như đồng chí Dương Quang Đông – một người lính vô danh của một tiểu đội vô danh, đói khát, len lỏi tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Chính đồng chí là người đã đưa ra ý tưởng táo bạo – bố trí một bến đón bí mật từ cửa sông Ray – ngay sát căn cứ của địch. Ý tưởng này cùng những chuyến đi sinh tử sau đó đã góp phần khai thông con đường huyền thoại nhưng trong cuốn dự thảo Lịch sử lữ đoàn Hải quân 125, tên của đồng chí Dương Quang Đông chưa một lần được nhắc đến.

    Câu chuyện về má Mười Rìu – một người phụ nữ kì lạ, với 10 đồng bạc mà dựng nên cơ nghiệp cho cách mạng. Má có thể mua một chiếc thuyền sáu tấn có máy đẩy Yama, một giàn lưới lớn, mấy tấn xăng dầu, hàng chục tấn gạo để phục vụ cho những cán bộ cách mạng trong những ngày mở đường gian khó…Không chỉ có 2 con người đó, hàng trăm, hàng ngàn con người ngày đêm âm thầm mà sôi nổi, ngày đêm mưu tính ngược xuôi để cuối cùng con đường mòn trên biển đã được khai thông với cả một mạng lưới các bến liên hoàn từ Bà Rịa đến Cà Mau.

    Tiếp sau giai đoạn mở đường là giai đoạn mà con đường trên biển đi vào hoạt động chính thức trong sự bí mật tuyệt đối. Nhưng rồi với sự kiện Vũng Rô – chấm dứt giai đoạn hoàn toàn bí mật này để chuyến sang giai đoạn mới. Đoàn tàu vận chuyển hàng hoá phải hoạt động công khai trước  sự kìm kẹp gắt gao của kẻ thù. Nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm ra những con người, những số phận âm thầm vô danh mà sự đóng góp của họ lại vô cùng vĩ đại. Cả đoàn thuỷ thủ hàng chục người sẵn sàng “quên sinh” để kẻ thù không thể lần tìm ra manh mối của những con tàu không số, những người phụ nữ hy sinh đời mình sống trong cô độc thậm chí miệt thị của người khác để giữ vững sự bí mật của danh tính những chiến sỹ đoàn tàu không số….Còn biết bao số phận khác cũng như vậy – đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    Đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.

    “Sự bình thường chỉ có ở những người trong sáng”

    Những con người hiển hách, góp công sức lớn lao cho cách mạng như vậy, khi chiến tranh kết thúc họ lại trở về làm một người bình thường. Với những gì đã hy sinh có mấy ai dễ dàng chấp nhận sống một cuộc đời bình thường như thế . Má Mười Rìu – bà má huyền thoại quay trở về làm người đàn bà sống bên làng chài ven biển, bán vô số thứ vật dụng linh tinh, lộn xộn, không tên. Đồng chí Dương Quang Đông cũng vậy, trở về cuộc sống đời thường là một cụ già giản dị, chậm rãi mang đậm dáng dấp của người “công nhân Ba Son”… Họ là những con người chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc mà không mưu cầu bất kỳ danh lợi gì, không mong được đền ơn, không mong được trả lại…Lý lẽ của họ đơn giản chỉ là : “Rồi xương máu của anh em ai trả”. Có phải  những con người với phẩm chất thật khó để tìm thấy trong cuộc sống hôm nay. Khi trong chúng ta vô số người kiêu ngạo, háo danh, tưởng mình là cái rốn của vũ trụ khi trong tay mới có chút thành tựu.

    “Có một đường mòn trên biển Đông” không chỉ đem đến cho người đọc hình dung về lịch sử tuyến đường trên biển chi viện vũ khí lực lượng cho chiến trường Nam mà còn một lần nhắc nhớ chúng ta về gía trị cốt lõi trong đời sống con người. Sống một cuộc sống bình thường vốn đã là  điều tốt đẹp. Bởi lẽ, cũng như nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: “Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng”.

    Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng

     

     

  • Sử Việt 12 khúc tráng ca

    Sử Việt 12 khúc tráng ca

    12 khúc ca trong cuốn sách là 12 câu chuyện lịch sử về các vị vua đã có công dựng nước và giữ nước. Tác giả không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… mà còn kể đến những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực như Khúc Hạo, hay những địa danh bị bụi thời gian phủ mờ như thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại. Tác phẩm lịch sử không hề khô khan bởi tác giả đã lựa chọn được những điểm ly kỳ,  hấp dẫn để kể lại từ đó mà hậu thế có thể có được một hình dung sinh động về quá khứ. Như việc phân tích về kỹ thuật đóng cọc trên sông Bạch Đằng giúp người anh hùng Ngô Quyền chấm dứt hơn 1000 năm Bắc Thuộc. Hay việc giải đáp chuyện bí ẩn vua Quang Trung hành quân thần tốc, lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay…

    Sử việt 12 khúc tráng ca hấp dẫn còn bởi lịch sử các vương triều Việt Nam được kể lại với những cuộc tranh đoạt ngôi vương, những mâu thuẫn nội tộc, những vụ án ly kỳ và cả những nghi án lịch sử. Nếu lịch sử Trung Hoa kỳ vĩ và hấp dẫn hậu thế bởi đã khai thác thành  công những  yếu tố đó thì chắc chắn rằng, nếu sử Việt thật sự được khai thác một cách triệt để nhất, độ hấp dẫn ly kỳ cũng chẳng kém ai.

    Điều đặc biệt là từ những câu chuyện lịch sử tác giả  đã đúc kết thành những bài học quý. Nếu công lao của dòng họ Khúc là kiện toàn hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương với những cải cách gần dân và ở cấp cơ sở để tạo tiền đề cho Ngô Quyền 30 năm sau chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc một cách đường đường chính chính thì rõ ràng, bài học mà tiền nhân để lại chính là: “Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.

    “Một ngôi nhà chỉ yên ấm khi có nền móng vững chắc, một con người chỉ thành công khi có cái gốc vững vàng.

    su viet 2

    Hay như khi phân tích về bi kịch mất nước của nhà Hồ, tác giả đã làm rõ bài học về lòng dân. Sở dĩ giang sơn dù thuộc về nhà Hồ, nhưng lòng dân thì không ở họ Hồ nên vương triều này đã không thể đối đầu với quân Minh. Trước khi chiến tranh xảy ra, Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. 600 năm rồi câu nói ấy vẫn chứa bao uẩn ức và là một bài học mà hậu thế không bao giờ được phép lãng quên.

    Tuy nhiên cuốn sách sẽ hoàn hảo hơn nếu không có một số sai sót. “Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, tức Nguyễn Thái Tổ, niên hiệu Gia Long” (trang 255). Ngoài vấn đề danh hiệu, vì khi đó Nguyễn Ánh mới xưng vương, phải đến năm 1806 mới xưng là hoàng đế, thì miếu hiệu Nguyễn Thái Tổ là một nhầm lẫn lớn.

    Bởi vì sau khi vua Gia Long mất, triều thần mới đặt miếu hiệu của ông là Nguyễn Thế Tổ. Miếu hiệu “Thái Tổ” được vua Gia Long dành để suy tôn cho chúa Nguyễn Hoàng, tổ khai nghiệp ra các đời chúa Nguyễn, và lúc đương thời chỉ xưng là “Tiên vương” (Chúa Tiên).

    Hay trang 252 có đoạn: “Võ Văn Dũng với Lê Văn Duyệt cũng định “vây Ngụy cứu triệu”, khi dự định tấn công Phú Yên hòng đánh về Gia Định nhưng lại bị Nguyễn Văn Thành chặn lại”. Đọc câu này, đọc giả yêu lịch sử sẽ phải chững lại rồi ngẫm ra: Võ Văn Dũng là tướng của nhà Tây Sơn, Lê Văn Duyệt là tướng nhà Nguyễn, sao lại cùng nhau cầm quân đánh một tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thành? Ở đây, tên Trần Quang Diệu phải thay vào chỗ tên Lê Văn Duyệt mới đúng.

    Hoặc có khi tác giả có lẽ không chú ý tính logic của vấn đề khi cho rằng năm 1558, Nguyễn Hoàng và các bề tôi thân tín của mình vào Nam và “sẽ phải nằm xuống ở nơi đất khách quê người và phải 250 năm sau, hậu duệ của họ mới có thể quay lại mảnh đất Thăng Long” (trang 208)…Trong khi ngay trang sau, tác giả đã nhắc lại việc Nguyễn Hoàng đưa quân Bắc ra giúp vua Lê, chúa Trịnh trong suốt 8 năm, từ 1592 (trong sách ghi nhầm thành 1692) đến tận năm 1600 mới thật sự trở về Thuận Hóa lần cuối….

    Tuy nhiên cũng bởi người viết cũng như người soát bản thảo không phải là dân chuyên ngành nên mới để xảy ra những sai sót đáng tiếc như vậy. Dẫu vậy, nhìn một cách tổng thể, đây vẫn là một cuốn sách hay, đáng đọc và nên đọc.

     

     

     

  • Tiểu sử Machiavelli – Sự kiến giải cho một con người đầy nghịch lý

    Tiểu sử Machiavelli – Sự kiến giải cho một con người đầy nghịch lý

    Đêm trường trung cổ cuối cùng cũng chấm dứt khi ánh sáng huy hoàng của thời kỳ phục hưng chiếu rọi khắp Châu Âu. Bất ngờ thay, ánh sáng của hi vọng ấy lại bắt nguồn từ Italy – nơi có thánh thành – nơi vinh danh quyền lực của giáo hoàng – vị chức sắc tối cao của trần thế trông, lo phận sự cho con chiên. Tại sao tôi nói đó là điều bất ngờ? Bởi vì, tại thời điểm đó, Giáo hội Kito của Roma dường như chẳng mấy bận tâm đến sứ mệnh vinh danh chúa. Thay vào đấy, trong kinh đô Vatican, các hồng y (chủ yếu là người Italy) ngấm ngầm tiến hành các cuộc tranh đoạt quyền lực. Nghiêm trọng hơn, họ còn lấy uy quyền thần thánh của nước chúa trời lấn áp các quyền lực các quốc gia trần thế. Các giáo hoàng liên tiếp tạo ra các xung đột, chiến tranh trên toàn cõi châu Âu khi xây dựng những liên minh làm hổ danh Chúa. Tại Italy, mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều khi lần lượt các hồng y, giáo hoàng mang họ Medici, Borgia ngày một tha hóa quyền lực, can dự sâu vào sự chia rẽ các tiểu quốc trong lòng lãnh thổ quốc gia này

    Thế nhưng trớ trêu thay! Thời kỳ phục hưng lại được hình thành ngay giữa trung tâm tăm tối ấy. Nó khởi đầu từ thi ca của Boccaccio và Dante rồi nhanh chóng lan rộng sang mọi lĩnh vực. Thời đại ấy sản sinh ra vô cùng nhiều thiên tài kỳ quặc mà cho đến tận bây giờ các nhà khoa học không thể lý giải nổi: vì sao một họa sĩ có phần ẻo lả như Leonardo De Vinci lại có thể là bậc thầy về các loại vũ khí chiến tranh; Michaelangelo ngoài điêu khắc lại còn biết thiết kế các công trình công sự vĩ đại. Và con người kỳ lạ hơn cả trên đất nước Italia giai đoạn này bất ngờ là Machiavelli – một công chức bậc trung – người gần như đã chết trong sự lãng quên và xem nhẹ. Mấy ai ở thời điểm đó có thể tin rằng hậu thế lại suy tôn Machiavelli như ông tổ của triết học chính trị, bậc thầy về chủ nghĩa cơ hội, thực dụng cho đến niềm cảm hứng cho những gã độc tài phát-xít điên cuồng. Cuốn sách của Unger chính là kiến giải cho những con người đầy nghịch lý như thế.

    Miles J. Unger – Tác giả cuốn sách Tiểu sử Machiavelli

    Machiavelli – Một công chức bất tài

    Thực vậy, cho dù chủ đề cuốn sách chỉ giới hạn phạm vi trong nghiên cứu tiểu sử về Machiavelli nhưng bằng nguồn tư liệu đồ sộ được khảo cứu cùng với tư duy viết sử khá mới mẻ và hiện đại, Unger đã tái hiện ra lịch sử của nước Ý từ cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVI qua việc bám sát dấu chân của nhân vật chính Machiavelli. Sinh ra trong một gia đình trung lưu của Cộng hòa Florence, Machiavelli đáng lẽ có thể tiếp tục cuộc sống bình yên như cha mình, một học giả nghiệp dư với thú vui sưu tầm và đọc sách. Nhưng khao khát được góp mặt trong bộ máy chính quyền, xây dựng Cộng hòa Florence trở thành một quốc gia hùng mạnh và tiến xa hơn là chinh phục nước Ý đã khiến Machiavelli cả một đời loay hoay trong những kế hoạch dang dở. Và thú thực, Machiavelli cũng không phải là một công chức giỏi giang gì. Ông ta thu về kẻ thù gấp nhiều lần đồng nghiệp. Mọi quý tộc, quan chức có thể lực cho đến các hồng y, giáo hoàng tại Vatican đều nghi ngờ về sự trung thành của Machiavelli. Tương tự, những đóng góp của Machiavelli khi làm công chức của Florence gần như cũng không để lại thành quả gì. Kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân của ông gần như bị tan thành tro bụi. Mà không tan tành mới là chuyện lạ khi Machiavelli còn chẳng biết xây dựng chiến thuật, sắp xếp đội hình nữa là những chuyện cao xa hơn như tổ chức một cuộc chiến.

    Một công chức bất tài như Machiavelli có lẽ đã chìm sâu trong lịch sử nếu không có những tác phẩm kỳ lạ như Quân vương, Luận về Livy, Lịch sử Florence, Nghệ thuật chiến tranh… Đó là chưa kể những vở kịch, bài thơ được xem là xuất sắc bậc nhất thời kỳ Phục hưng tại Italy. Rất khó để xác định thể loại của những tác phẩm mà Machiavelli đã viết. Chúng nằm giữa lằn ranh của sử học, chính trị học, khoa học quân sự, luật học vv.

    Machiavelli cũng không phải là một công chức giỏi giang gì. Ông ta thu về kẻ thù gấp nhiều lần đồng nghiệp. Mọi quý tộc, quan chức có thể lực cho đến các hồng y, giáo hoàng tại Vatican đều nghi ngờ về sự trung thành của Machiavelli.

    Nhưng lại là một học giả uyên bác

    Trong các tác phẩm này, Machiavelli đã cho thấy mình là một học giả vô cùng uyên bác, cẩn trọng và có phương pháp, thao tác nghiên cứu đáng nể xét trong thời đại mà ông sinh sống. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử phương Tây, mới có một nhà khoa học thực hiện một “cuộc cách mạng ngược”. Đó là xây dựng mô hình nhà nước “lý tưởng” dựa trên tình hình thực tế, người cầm quyền và nhận thức của nhân dân. Có lẽ, Marchiavelli cũng là người đầu tiên hiểu rằng nhân dân nào thì chính quyền vậy. Không đi theo các triết gia đi trước như Plato hay Aristotle, Marchiavelli chủ trương hướng đến xây dựng một quốc gia trần thế đích thực. Cũng vì vậy, ông ta chấp nhận cả việc xây dựng các mô hình quốc gia độc tài, cha truyền con nối cho đến cộng hòa. Tuy nhiên dù là mô hình nào, Machiavelli cũng hướng đến một quốc gia thượng tôn pháp luật và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu theo quan niệm của Machiavelli phải một người dũng cảm, mưu mẹo và trên hết là đặt các quyền lợi của quốc gia, đại sự lên trên các tư lợi cá nhân của mình. Đáng tiếc là theo nghiên cứu của Unger, các nhà cầm quyền tại Florence nói riêng và Italy nói chung chỉ chăm chăm giữ lấy và làm đầy thêm khối tài sản của mình. Họ sẵn sàng trở thành những kẻ ôm gót ngoại bang còn hơn tin tưởng vào những nông dân, thợ thuyền của mình. Tự do cho Italy với họ là một sự nguy hiểm. Cũng theo Unger, ngoài những tư tưởng về nhà cầm quyền, những đóng góp khác trên phương diện lý thuyết quân sự, triết học của Machiavelly là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như việc xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và đề cao vai trò của lính nghĩa vụ nay đã trở thành mô hình phổ biến tại nhiều Quốc gia bởi lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội mà nó mang lại.

    Dù là mô hình nào, Machiavelli cũng hướng đến một quốc gia thượng tôn pháp luật và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

    Machiavelli

    Niềm tin mù quáng của   Machiavelli

    Giống hệt như một mẫu hình công chức đích thực, điều mà Max Weber vô cùng xem trọng, nhấn mạnh trong tác phẩm Chính trị Nghề nghiệp và xứ mệnh, rất tiếc cho đến thế kỷ XIX, những công chức mẫn cán như Machiavelli luôn luôn được coi như những kẻ phản diện bởi niềm tin mù quáng vào bộ máy chính quyền mà ông ta sẵn lòng phục vụ. Điều này có thể liên hệ với nhân vật Javert của V. Hugo. Sự mù quáng của Marchiavelli là niềm tin biến Italy trở thành một quốc gia thống nhất với Florence là một trung tâm chính trị. Và để thực hiện điều đó, ông ta không từ một thủ đoạn nào từ việc chạy theo các nhà dân túy, phe quý tộc, phe cộng hòa cho đến bám chân các giáo hoàng tha hóa, đặc biệt là Clement. Tuy vậy, như đã biết phần lớn quãng đời của Machiavelli chỉ dừng lại ở một công chức tầm thường. Không ai trọng dụng ông cả. Bởi vậy những mối ác cảm về Machiavelli , những tội lỗi mà người ta gán cho ông dường như chỉ là một sự phóng đại, che giấu đi một sự thật tàn khốc: sách của Machiavelli đã đánh trúng tim đen của nhiều kẻ cường quyền . Và tội lỗi duy nhất mà Machiavelli mắc phải là đã nói đúng lại còn nói to.

    Những tội lỗi mà người ta gán cho ông dường như chỉ là một sự phóng đại, che giấu đi một sự thật tàn khốc: sách của Machiavelli đã đánh trúng tim đen của nhiều kẻ cường quyền . Và tội lỗi duy nhất mà Machiavelli mắc phải là đã nói đúng lại còn nói to.

    Sau cùng, tên tuổi của Machiavelli cũng được vinh danh từ quê nhà Florence cho đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trớ trêu thay đó là lúc những nghiên cứu của ông gần như chỉ là những cuốn sách đọc vì mục đích giải trí. Các bộ máy nhà nước, các lý thuyết quyền lực đã vượt rất xa những nhận định của Machiavelli. Những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đôi khi khiến người ta sẵn sàng trả giá bằng máu và nước mắt để đạp đổ cường quyền thay vì sống trong một sự im lặng vì khủng bố từ tha hóa quyền lực. Và cũng may mắn khi những nghiên cứu và nhận định của Machiavelli gần như bị bỏ quên, hoặc đọc với thái độ xem thường trong hầu hết thời gian mà nó hiện hữu. Nếu không ta thực sự không biết rằng thế giới sẽ đi về đâu nếu chạy theo tư duy của Machiavelli.

    Hải Đăng

  • “Cố ráng sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ được gặp mùa xuân”

    “Cố ráng sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ được gặp mùa xuân”

    Một giai đoạn lịch sử không thể nào quên

    Cuốn hồi ký “Những chặng đường lịch sử” sẽ giúp người đọc hình dung lại một thời điểm lịch sử, khi công cuộc cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những người con ưu tú của Đảng đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào cách mạng. Có lẽ ít ai hình dung được rằng, chỉ với số ít cán bộ cốt cán, điều kiện vật chất thô sơ mà lại có thể gây dựng được phong trào rộng khắp trong quần chúng, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

    Từng bước một, phong trào lớn mạnh dần lên. Từng trang hồi kí của Đại tướng luôn thấm đẫm cảm xúc. Lịch sử giờ đây không còn là những con số, những sự kiện, ngày tháng khô khan. Như lúc viết về sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, có những dòng viết cứ in sâu vào tâm trí người đọc. Đại tướng đã viết“tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tỏ. Bao chiến công oanh liệt của ông cha ta đời trước, của các chiến sỹ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đó là cả một đội quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục  nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động.” 

    Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đó là cả một đội quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục  nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù.

    Cuốn theo từng dòng viết của Đại tướng, chúng ta sẽ đến được ngày vui thắng lợi. Người đọc cũng sẽ hân hoan, sẽ xúc động trào nước mắt với những dòng viết chứa chan tình cảm.“Suốt các phố xá, các làng mạc ven đường, đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ chói như ngọn lửa tin của những người cách mạng, xuất hiện lần đầu trong khởi nghĩa Nam kỳ và sau đó lại tung bay trên núi rừng Việt Bắc, bây giờ đã tô thắm cho cả đất nước, báo tin cách mạng thành công”… “ Bên kia là thủ đô chói chang cờ đỏ. Nhìn quang cảnh nước nhà đổi thay, nhân dân vừa thoát khỏi ách đau thương của gần một trăm năm đô hộ, nô nức đón chào ngày giải phóng dân tộc, vui sướng trào lên trong chúng tôi, mừng muốn ứa nước mắt”. Cuốn hồi ký thực sự là một nguồn sử liệu vô cùng quý giá.

    Chân dung một con người vĩ đại

    Mỗi một diễn biến trên thế giới đều có tác động to lớn vào tình hình cách mạng Việt Nam. Hồ Chủ tịch là một nhà chiến lược tài ba khi Người luôn phân tích, đưa ra chủ trương, đường lối, sách lược phù hợp với từng thời điểm. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, từ việc phân tích kẻ thù của chúng ta là ai, chọn Cao Bắc Lạng là căn cứ địa cách mạng có vai trò quan trọng như thế nào…rồi khi tổng khởi nghĩa thắng lợi, chúng ta phải làm sao trước tình cảnh đất nước chưa lúc nào phải đối diện với nhiều kẻ thù đến như vậy…Ngay từ đầu, đường lối, sách lược Người đưa ra đã khiến cho tất cả mọi người tin rằng: “ông cụ mảnh khảnh này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam”. Xuyên suốt cuốn hồi ký, qua những sự kiện lịch sử như vậy, Đại tướng đã tái hiện lại khá trọn vẹn chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa hùng vĩ mà giản dị, thiêng liêng mà gần gũi, rực rỡ mà thuần khiết như ánh ban mai.
    Bởi vậy, cả dân tộc ta, chỉ bằng gậy tầm vông và dáo mác thô sơ, đã đứng lên cùng Người với một quyết tâm lớn, một  khí thế mạnh, một tinh thần diệt thù cứu nước, hy sinh dũng cảm tuyệt vời, lập nên những chiến công lớn ngay trong những điều kiện gian khó nhất.

    Dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, bền bỉ,  kiên trì, để càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, tiến lên trên con đường dẫn tới một mùa xuân của dân tộc, tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cố ráng sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ được gặp mùa xuân”.

    “Cố ráng sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ được gặp mùa xuân”.