Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng năm 1964, là một trong những khu binh gia lớn nhất của Hà nội thời chiến tranh chống Mỹ. Có khoảng 500 gia đình sĩ quan đã từng sống ở đây. Cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” tái hiện lại cuộc sống của những đứa con các gia đình quân nhân – những đứa trẻ thông minh, dũng cảm, nghĩa hiệp nhưng hơi chệch hướng đã làm cho Quân khu Nam Đồng trở nên khét tiếng một thời.
Những đứa trẻ nghĩa hiệp chệch hướng
Việt, Hoà, Anh Sơn, Tiến Thọt, Tuấn Mím…là những đứa trẻ Nam Đồng lớn lên trong chiến tranh, cha đi chiến đấu biền biệt, mẹ tăng gia sản xuất không có thời gian quan tâm, dạy dỗ…Dù thông minh nhưng kết quả học hành của chúng luôn lẹt đẹt bởi lẽ, chúng đánh nhau quá nhiều. Trong bức tranh kể về cuộc sống của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng thời đó, những trận đánh của chúng chiếm khá nhiều dung lượng. Bắt đầu từ trận đánh Ô Chợ Dừa, chúng đánh nhau với bọn trấn lột ở cổng trường để bảo vệ cho đám con gái, những đứa nhỏ bé và những em học sinh lớp dưới… Trận đánh rạp chiếu phim thì diễn ra khi đám trẻ Nam đồng thấy 02 thanh niên mặc quần áo bộ đội bạc phếch, đánh túi bụi một cậu bé trai khoảng 13 – 14 tuổi…Với chúng “Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội, trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”. Quả thực, chúng đã dùng hết sức mình để thực hiện lời tuyên ngôn đó.
“Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội, trong mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”
Tuy nhiên, tất cả mọi việc đều cần có chừng mực. Là những thanh niên mới lớn, những đứa trẻ Nam Đồng có quá nhiều năng lượng. Có lúc chúng đánh nhau vì những lý do lãng xẹt và đầy tính manh động. Manh động đến mức cầm búa đập vào đầu khiến con nhà người ta phải nhập viện. Có những đối tượng bị chúng đánh phải điều trị gần chục ngày, đầu khâu nhiều mũi nhưng theo lời chúng mô tả thì rất nhẹ. Chúng đầy bản năng, bất trị, bạo liệt và…chệch hướng.
Cuối cùng điều gì đến cũng buộc phải đến. Những đứa trẻ quả cảm, đầy khí phách nhưng hơi chệch hướng đã dừng lại những trò đánh nhau cho đến khi xảy ra một sự việc nghiêm trọng. Chúng đánh chết người. Số phận của những đứa trẻ Nam đồng từ đây mỗi người một hướng. Đứa nhập ngũ, đứa vào tù, đứa tiếp tục theo học…Nhưng kỳ lạ là, dù ở đâu, chúng vẫn luôn cùng nhau thực hiện một điều: giữ gìn hình ảnh quân khu Nam Đồng.
Tác giả Bình Ca, với giọng văn dì dỏm hài hước nhưng đầy chiều sâu đã lôi cuốn người đọc hồi hộp theo dõi những trận đánh của đám trẻ quân khu. Cùng với đó là trò quậy phá tuổi học trò với những rung động đầu đời tưởng mơ hồ mà quá đỗi sâu đậm. Người đọc có lúc bật cười với những câu chuyện hồn nhiên, chân thật, đầy sinh động nhưng cũng có lúc ngậm ngùi với những phân đoạn buồn về số phận những đứa trẻ. Rõ ràng là không phải ai cũng được ông trời ưu ái.
Giá trị của lòng chính trực
Chất lính của những đứa trẻ quân khu Nam Đồng không chỉ ở tinh thần nghĩa hiệp mà còn ở lòng chính trực. Khi Quốc Tẩm khi lấy trộm tiền của mẹ, Hoà đã khuyên: “Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng đàng hoàng… Nếu mày không vượt được qua lần này thì sau mày sẽ lại ăn cắp tiền của mẹ mày nữa”. Nếu chúng đã nhận thức được điều đó là sai, thì lòng chính trực mãnh liệt trong chúng sẽ thôi thúc cho đám trẻ nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm của mình.
Câu chuyện về Đỗ – bí thư chi đoàn là một câu chuyện buồn. Đến tận cùng, những đứa trẻ Nam Đồng vẫn đặt niềm tin vào người đã giúp đỡ chúng, tạo điều kiện cho chúng được “cảm tình Đoàn”. Vậy nhưng sự thật thì không chối bỏ được. Khi chúng biết Đỗ phản bội, làm thầy Toàn tổn thương, là người bí mật báo cáo với cô giáo những trò nghịch dại của chúng, là người đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi…thì từ đó cả lớp cũng không ai nhắc đến Đỗ nữa. Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó. Làm sao trong trái tim của sự ngay thẳng và chính trực có chỗ cho sự phản bội và lòng giả dối.

Mấy chục năm sau cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng. Trong lòng mọi người, đặc biệt là những đứa trẻ quân khu, Đỗ đã chết từ ngày đó.
Trái ngược với Đỗ là Giang cận. Anh bí thư chi đoàn bị cách chức vì bị cảm hoá ngược. Trong một lần Giang cận tiếp cận với Hoà, Khanh để khuyên bảo các bạn dừng lại những trò đánh nhau thì cũng chính lần đó, Giang cận “gia nhập” vào đội nhóm những đứa trẻ quân khu với những trận đánh nhau gây kinh hồn bạt vía. Với tính cách dũng cảm, gan lì và đàng hoàng, dù có bị công an nhốt vào đồn thì Giang cận sẽ vẫn luôn khai báo một cách trung thực, đánh bao nhiêu đứa, dùng vũ khí gì. Nên Giang cận sẽ luôn là đứa vào đồn đầu tiên và ra khỏi đồn cuối cùng. Nhưng với tố chất thông minh trời phú, nó ở đâu cũng là đứa dẫn đầu và luôn là người mà đám trẻ quân khu Nam Đồng nể nhất.
Có lẽ tác giả Bình Ca cũng không có ý chuyển tải quá nhiều thông điệp trong cuốn sách này. Nhưng từ bức tranh ký ức về những đứa trẻ Nam Đồng ông kể lại người đọc vừa có thêm một hình dung hoàn toàn khác về chiến tranh, vừa một lần được nhắc nhớ về những giá trị cốt lõi trong đời sống con người như tinh thần nghĩa hiệp và lòng chính trực. Ở bối cảnh nào thì đó vẫn sẽ mãi là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện và vươn tới.
Leave a Reply