Một cuộc chiến tàn bạo
Xuyên suốt trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh khắc hoạ lại diện mạo một cuộc chiến mà lâu nay lịch sử vẫn gọi tên là cuộc chiến thần thánh. Đúng, đó là cuộc chiến thần thánh khi “châu chấu có thể đánh thắng voi”. Nhưng những bạo tàn của nó thì ít ai hình dung được. Chiến tranh đã biến một vùng đất thành Truông Gọi Hồn, xoá sổ không biết bao tiểu đội, đã giam cầm con người để họ biến thành “một con vượn rất to, phải bốn người kéo ra mới khiêng nổi con thú ấy về lán của đội trinh sát. Nhưng lạy Chúa tôi, đến khi ngả nó ra, cạo sạch được bộ lông thì ôi giời đất ơi, con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bàn béo xệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược”.
Cuộc sống của những người lính – những người vẫn được gọi là anh hùng điêu tàn đến khốn khổ. Họ phải sống trong những cảnh tưởng mà “máu tung xối, chảy toé, ồng ộc, nhoe nhoé” “đạn bắn phọt óc con người” “những tấm ni lông quấn đầy tử sĩ”…Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ …Chiến tranh đã biến những người lính vốn là những người nông dân giản dị, dịu hiền, có cách nhìn đời nhân hậu trở thành những người có thói hiếu sát, máu hung tàn, tâm lý thú rừng, ý chí tối thăm và lòng dạ gỗ đá.

Chiến tranh cũng đã biến thân phận một con người trở thành phận con sâu cái kiến. Như Can một chàng lính vì không vượt qua nổi sự khốc liệt của cuộc chiến, anh đào ngũ và chết trong rừng sâu với đầy sự nhục nhã. “Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được cái xác. Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặc của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục… Hai hố mắt như hai cái tăng xê, chưa gì đã mọc rêu xanh lè…” Tên tuổi của một người từng vào sinh ra tử không kém cạnh ai và vốn hoàn toàn không phải đồ tồi đã ra đi như vậy.
“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người”. Rõ ràng, hoà bình là cái cây mọc lên máu, tính mạng, cuộc đời của biết bao con người. Đối với những người lính, những người đã ngã xuống lại là những người đáng được sống nhất.
“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của dòng giống con người”.
Những tâm hồn không lối thoát
Kiên là nhân vật dẫn dắt trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Dù là người may mắn sống sót để tận hưởng thành quả hoà bình nhưng cuộc sống với anh chẳng dễ dàng gì. Chứng kiến những cái chết của đồng đội, theo dần năm tháng, những luồng tử khí đã hoà thành tiềm thức, trở thành bóng tối trong tâm hồn anh, không thể nào vươn lên nổi. Kiên đau khổ, dày xé, bị ký ức chiến tranh bóp nghẹt. Về với thời bình, chỉ cần nhìn thấy những cảnh lính Mỹ mặc áo giáp trên truyền hình, anh đã không thể bình tĩnh nổi. “Tôi sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng”. Thời đại mới đối với Kiên không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp mà tâm hồn mỗi ngày thêm hoang phế, vật vờ toàn những hồn ma bóng quỷ. Anh như mắc kẹt lại trên cõi đời này.
Không chỉ Kiên mà thế hệ anh cũng không ít người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Như Vượng – cựu binh thiết giáp, bốn năm trời lái T54 hoành hành ở miền Đông. Vượng ban đầu cũng hồ hởi xây dựng cuộc sống mới với ước mong tiếp tục được lái xe, xe tải, xe con, xe khách, tàu lu và kiên quyết không đụng đến một giọt rượu. Nhưng di chứng của chiến tranh khiến anh khi lái xe, những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm là oẹ, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Anh bị hội chứng” sợ mặt đường”. Vậy là rượu xâm chiếm cuộc đời anh. Đó chính là những người không thể nào nhấc chân ra khỏi cuộc chiến.
Nếu trong tác phẩm “Bến không chồng” những con người hậu chiến dù có những méo méo về tâm hồn, có phải chịu đựng bao nỗi đau thương thiệt thòi từ thời cuộc nhưng trong họ vẫn còn hy vọng, vẫn còn khao khát vươn lên kiếm tìm những ngày tháng bình yên. Nhưng trong “Nỗi buồn chiến tranh”, nhân vật của Bảo Ninh đã hoàn toàn lụi tàn và chìm đắm trong hố sâu ký ức. Kiên cũng như nhiều người khác chỉ có thể tìm thấy hơi thở cuộc sống trong những ký ức đau thương, dữ dội, trong đạn bom chém giết. Đó là khi chiến tranh đã chiến thắng, cái ác, tính phi nghĩa đã chiến thắng. Cuối cùng là tác giả cũng đành đi phải đi đến cái kết với một thoả hiệp rằng: “Tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tìnhc ảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tính yêu, tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh…Bởi vì thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người…”
Tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ… Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh…Bởi vì thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người…”
Phận tình yêu khốn khổ
Tất cả những câu chuyện tình trong “Nỗi buồn chiến tranh” đều buồn đến bi thương.
Câu chuyện về HơBia, Mây, Thơm với các đội viên trinh sát là câu chuyện tình bi thảm và mông muội. Ba cô gái bị chiến tranh cầm tù giữa rừng sâu núi thẳm đã khoả lấp nỗi khát khao tuổi trẻ của cả một tiểu đội. Trong chiến tranh đã không còn luân lý. Tính phi lý và tội lỗi trong mối duyên tình chung đụng, dan díu, san sẻ của những người con gái con trai vừa mới đôi mươi khiến người đọc vừa đau đớn, vừa xót thương, không nỡ lòng một câu ngờ vực hay giận tủi. Chiến tranh đã biến những điều to lớn trở nên bé nhỏ cùng những mong muốn buồn vui bé nhỏ trở thành nỗi niềm không bao giờ được nhắc đến.

Chiến tranh đã khiến bao tình yêu trở nên xa xót như câu chuyện tình giữa Kiên và Phương. Rõ ràng, đó là những tình cảm tự nhiên, thuần khiết đầy mãnh liệt. Nhưng chiến tranh đã chia cắt lứa đôi. Dù rằng Phương mãnh liệt và không ngại định kiến xã hội nhưng sự chần chừ và nỗi lo sợ trong Kiên lớn hơn niềm tin mà anh giành cho cô ấy. Anh đã không đáp một tiếng gọi của Phương trong đêm tối mịt mù mà để rồi cả đời anh sống trong dày vò, hối hận. Kiên rốt cuộc cũng chỉ là người đàn ông nhu nhược bị chiến tranh làm cho hoang dại, tạ tàn. Cả cuộc đời chìm đắm trong nỗi nhớ và niềm day dứt với Phương. Người đọc sẽ cảm thấy ngột ngạt trước tình yêu của Kiên đối với Phương, đôi khi thầm tự hỏi, điều gì đã làm nên nông nỗi đó? Là do Kiên hay do chiến tranh? Do đạn bom hay do sự nhu nhược của một người đàn ông không dám nắm bắt lấy hạnh phúc của cuộc đời? Nhưng làm sao dám khi cả xã hội chỉ đang sống cho một lý tưởng duy nhất là độc lập. Làm sao dám khi với chiến tranh, cái chết là vô nghĩa.
Rốt cuộc họ cũng chỉ là nạn nhân của bạo lực, của lòng tham, của những chết chóc mà thôi.
Leave a Reply