Đêm trường trung cổ cuối cùng cũng chấm dứt khi ánh sáng huy hoàng của thời kỳ phục hưng chiếu rọi khắp Châu Âu. Bất ngờ thay, ánh sáng của hi vọng ấy lại bắt nguồn từ Italy – nơi có thánh thành – nơi vinh danh quyền lực của giáo hoàng – vị chức sắc tối cao của trần thế trông, lo phận sự cho con chiên. Tại sao tôi nói đó là điều bất ngờ? Bởi vì, tại thời điểm đó, Giáo hội Kito của Roma dường như chẳng mấy bận tâm đến sứ mệnh vinh danh chúa. Thay vào đấy, trong kinh đô Vatican, các hồng y (chủ yếu là người Italy) ngấm ngầm tiến hành các cuộc tranh đoạt quyền lực. Nghiêm trọng hơn, họ còn lấy uy quyền thần thánh của nước chúa trời lấn áp các quyền lực các quốc gia trần thế. Các giáo hoàng liên tiếp tạo ra các xung đột, chiến tranh trên toàn cõi châu Âu khi xây dựng những liên minh làm hổ danh Chúa. Tại Italy, mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều khi lần lượt các hồng y, giáo hoàng mang họ Medici, Borgia ngày một tha hóa quyền lực, can dự sâu vào sự chia rẽ các tiểu quốc trong lòng lãnh thổ quốc gia này
Thế nhưng trớ trêu thay! Thời kỳ phục hưng lại được hình thành ngay giữa trung tâm tăm tối ấy. Nó khởi đầu từ thi ca của Boccaccio và Dante rồi nhanh chóng lan rộng sang mọi lĩnh vực. Thời đại ấy sản sinh ra vô cùng nhiều thiên tài kỳ quặc mà cho đến tận bây giờ các nhà khoa học không thể lý giải nổi: vì sao một họa sĩ có phần ẻo lả như Leonardo De Vinci lại có thể là bậc thầy về các loại vũ khí chiến tranh; Michaelangelo ngoài điêu khắc lại còn biết thiết kế các công trình công sự vĩ đại. Và con người kỳ lạ hơn cả trên đất nước Italia giai đoạn này bất ngờ là Machiavelli – một công chức bậc trung – người gần như đã chết trong sự lãng quên và xem nhẹ. Mấy ai ở thời điểm đó có thể tin rằng hậu thế lại suy tôn Machiavelli như ông tổ của triết học chính trị, bậc thầy về chủ nghĩa cơ hội, thực dụng cho đến niềm cảm hứng cho những gã độc tài phát-xít điên cuồng. Cuốn sách của Unger chính là kiến giải cho những con người đầy nghịch lý như thế.

Machiavelli – Một công chức bất tài
Thực vậy, cho dù chủ đề cuốn sách chỉ giới hạn phạm vi trong nghiên cứu tiểu sử về Machiavelli nhưng bằng nguồn tư liệu đồ sộ được khảo cứu cùng với tư duy viết sử khá mới mẻ và hiện đại, Unger đã tái hiện ra lịch sử của nước Ý từ cuối thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVI qua việc bám sát dấu chân của nhân vật chính Machiavelli. Sinh ra trong một gia đình trung lưu của Cộng hòa Florence, Machiavelli đáng lẽ có thể tiếp tục cuộc sống bình yên như cha mình, một học giả nghiệp dư với thú vui sưu tầm và đọc sách. Nhưng khao khát được góp mặt trong bộ máy chính quyền, xây dựng Cộng hòa Florence trở thành một quốc gia hùng mạnh và tiến xa hơn là chinh phục nước Ý đã khiến Machiavelli cả một đời loay hoay trong những kế hoạch dang dở. Và thú thực, Machiavelli cũng không phải là một công chức giỏi giang gì. Ông ta thu về kẻ thù gấp nhiều lần đồng nghiệp. Mọi quý tộc, quan chức có thể lực cho đến các hồng y, giáo hoàng tại Vatican đều nghi ngờ về sự trung thành của Machiavelli. Tương tự, những đóng góp của Machiavelli khi làm công chức của Florence gần như cũng không để lại thành quả gì. Kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân của ông gần như bị tan thành tro bụi. Mà không tan tành mới là chuyện lạ khi Machiavelli còn chẳng biết xây dựng chiến thuật, sắp xếp đội hình nữa là những chuyện cao xa hơn như tổ chức một cuộc chiến.
Một công chức bất tài như Machiavelli có lẽ đã chìm sâu trong lịch sử nếu không có những tác phẩm kỳ lạ như Quân vương, Luận về Livy, Lịch sử Florence, Nghệ thuật chiến tranh… Đó là chưa kể những vở kịch, bài thơ được xem là xuất sắc bậc nhất thời kỳ Phục hưng tại Italy. Rất khó để xác định thể loại của những tác phẩm mà Machiavelli đã viết. Chúng nằm giữa lằn ranh của sử học, chính trị học, khoa học quân sự, luật học vv.
Machiavelli cũng không phải là một công chức giỏi giang gì. Ông ta thu về kẻ thù gấp nhiều lần đồng nghiệp. Mọi quý tộc, quan chức có thể lực cho đến các hồng y, giáo hoàng tại Vatican đều nghi ngờ về sự trung thành của Machiavelli.
Nhưng lại là một học giả uyên bác
Trong các tác phẩm này, Machiavelli đã cho thấy mình là một học giả vô cùng uyên bác, cẩn trọng và có phương pháp, thao tác nghiên cứu đáng nể xét trong thời đại mà ông sinh sống. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử phương Tây, mới có một nhà khoa học thực hiện một “cuộc cách mạng ngược”. Đó là xây dựng mô hình nhà nước “lý tưởng” dựa trên tình hình thực tế, người cầm quyền và nhận thức của nhân dân. Có lẽ, Marchiavelli cũng là người đầu tiên hiểu rằng nhân dân nào thì chính quyền vậy. Không đi theo các triết gia đi trước như Plato hay Aristotle, Marchiavelli chủ trương hướng đến xây dựng một quốc gia trần thế đích thực. Cũng vì vậy, ông ta chấp nhận cả việc xây dựng các mô hình quốc gia độc tài, cha truyền con nối cho đến cộng hòa. Tuy nhiên dù là mô hình nào, Machiavelli cũng hướng đến một quốc gia thượng tôn pháp luật và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu theo quan niệm của Machiavelli phải một người dũng cảm, mưu mẹo và trên hết là đặt các quyền lợi của quốc gia, đại sự lên trên các tư lợi cá nhân của mình. Đáng tiếc là theo nghiên cứu của Unger, các nhà cầm quyền tại Florence nói riêng và Italy nói chung chỉ chăm chăm giữ lấy và làm đầy thêm khối tài sản của mình. Họ sẵn sàng trở thành những kẻ ôm gót ngoại bang còn hơn tin tưởng vào những nông dân, thợ thuyền của mình. Tự do cho Italy với họ là một sự nguy hiểm. Cũng theo Unger, ngoài những tư tưởng về nhà cầm quyền, những đóng góp khác trên phương diện lý thuyết quân sự, triết học của Machiavelly là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như việc xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và đề cao vai trò của lính nghĩa vụ nay đã trở thành mô hình phổ biến tại nhiều Quốc gia bởi lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội mà nó mang lại.
Dù là mô hình nào, Machiavelli cũng hướng đến một quốc gia thượng tôn pháp luật và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

Niềm tin mù quáng của Machiavelli
Giống hệt như một mẫu hình công chức đích thực, điều mà Max Weber vô cùng xem trọng, nhấn mạnh trong tác phẩm Chính trị Nghề nghiệp và xứ mệnh, rất tiếc cho đến thế kỷ XIX, những công chức mẫn cán như Machiavelli luôn luôn được coi như những kẻ phản diện bởi niềm tin mù quáng vào bộ máy chính quyền mà ông ta sẵn lòng phục vụ. Điều này có thể liên hệ với nhân vật Javert của V. Hugo. Sự mù quáng của Marchiavelli là niềm tin biến Italy trở thành một quốc gia thống nhất với Florence là một trung tâm chính trị. Và để thực hiện điều đó, ông ta không từ một thủ đoạn nào từ việc chạy theo các nhà dân túy, phe quý tộc, phe cộng hòa cho đến bám chân các giáo hoàng tha hóa, đặc biệt là Clement. Tuy vậy, như đã biết phần lớn quãng đời của Machiavelli chỉ dừng lại ở một công chức tầm thường. Không ai trọng dụng ông cả. Bởi vậy những mối ác cảm về Machiavelli , những tội lỗi mà người ta gán cho ông dường như chỉ là một sự phóng đại, che giấu đi một sự thật tàn khốc: sách của Machiavelli đã đánh trúng tim đen của nhiều kẻ cường quyền . Và tội lỗi duy nhất mà Machiavelli mắc phải là đã nói đúng lại còn nói to.
Những tội lỗi mà người ta gán cho ông dường như chỉ là một sự phóng đại, che giấu đi một sự thật tàn khốc: sách của Machiavelli đã đánh trúng tim đen của nhiều kẻ cường quyền . Và tội lỗi duy nhất mà Machiavelli mắc phải là đã nói đúng lại còn nói to.
Sau cùng, tên tuổi của Machiavelli cũng được vinh danh từ quê nhà Florence cho đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trớ trêu thay đó là lúc những nghiên cứu của ông gần như chỉ là những cuốn sách đọc vì mục đích giải trí. Các bộ máy nhà nước, các lý thuyết quyền lực đã vượt rất xa những nhận định của Machiavelli. Những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đôi khi khiến người ta sẵn sàng trả giá bằng máu và nước mắt để đạp đổ cường quyền thay vì sống trong một sự im lặng vì khủng bố từ tha hóa quyền lực. Và cũng may mắn khi những nghiên cứu và nhận định của Machiavelli gần như bị bỏ quên, hoặc đọc với thái độ xem thường trong hầu hết thời gian mà nó hiện hữu. Nếu không ta thực sự không biết rằng thế giới sẽ đi về đâu nếu chạy theo tư duy của Machiavelli.
Hải Đăng
Leave a Reply