Giết con chim nhại – Hành trình đấu tranh với thành kiến xã hội

Chủ đề lớn trong cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” của nhà văn Harper Lee là vấn đề phân biệt chủng tộc. Ở Mỹ, tư tưởng người da trắng là tầng lớp thượng đẳng, người da đen là giai tầng thấp kém đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Từ chủ đề đó, Harper Lee xây dựng nhân vật chính của tác phẩm là bố Aticcus – luật sư của thị trấn Maycomb, dứoi góc nhìn và lời kể của cô con gái Scout. Câu chuyện về ông là hành trình đấu tranh với thành kiến xã hội, dù cô đơn nhưng tràn đầy lòng dũng cảm.

 Đấu tranh với thành kiến xã hội – Một hành trình cô đơn

Alabama – một tiểu bang miền Nam nước Mỹ rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc. Trong bối cảnh đó, Luật sư Atticus được toà án chỉ định việc bào chữa cho một người da đen – anh Tom Robinson với tội danh cưỡng hiếp Mayelle Ewell – một phụ nữ da trắng. Ngay từ khi thông tin này được lan truyền khắp thị trấn nhỏ Maycom, Jem và Scout – 2 người con của luật sư Atticus đã phải đối diện với sự bêu rếu cùng thái độ miệt thị của người dân khắp vùng. Scout – một cô học sinh tiểu học dù chưa hiểu cụm từ “bố mày là kẻ yêu bọn mọi đen” có nghĩa là gì nhưng cô cảm nhận rõ thái độ “như thể bố đang điều hành một lò rượu lậu”. Khi chính những người trong gia đình mình cũng tỏ quan điểm tương tự, rằng “ba mày chẳng là gì ngoài một kẻ yêu bọn mọi đen”, không chỉ thế họ còn cho rằng việc biện hộ cho Tom Robinson chính là sự huỷ hoại dòng họ, cô gái nhỏ đã không thể bình tĩnh và ngẩng cao đầu như cách mà bố Atticus muốn cô đối diện. Không một ai ủng hộ, cả thị trấn cho rằng, điều tốt nhất là không nên làm gì nhiều trong vụ bào chữa cho Tom Robinson.

Ông Atticus hiểu những gì mình đang làm là thua ngay từ khi bắt đầu. Ông biết rằng, dù một người da trắng có thấp kém đến đâu, dù rằng người nhà Ewell được miêu tả là “sự ô nhục của Maycombs suốt ba thế hệ… Không ai trong số họ từng lao động một ngày lương thiện”, vậy nhưng, bởi họ là người da trắng nên họ có quyền buộc tội và bởi Tom Robinson là người da đen nên anh đã có một kết cục được định sẵn. Phiên toà xét xử Tom Robinson được tác giả miêu tả đầy kịch tính và thấm đẫm nỗi xót xa. Những kẻ khởi kiện trơ tráo. Một anh da đen trầm mặc tử tế. Những lập luận sắc bén của luật sư đủ để tất cả mọi người hiểu sự dối trá trong lời khai của cha con nhà Ewell. Nhưng rồi cuối cùng, kết quả lại đầy nỗi xót xa. Kết quả đó bắt nguồn từ thành kiến xã hội. “Bố Atticus đã sử dụng mọi công cụ có sẵn có cho người tự do để cứu Tom Robinson nhưng trong toà án bí mật của trái tim con người, bố Atticus không có cơ hội. Tom đã là người chết kể từ lúc Mayelle Ewell mở miệng gào lên”

Nhưng trong toà án bí mật của trái tim con người, bố Atticus không có cơ hội.

Cần biết bao sự dũng cảm

Vậy nhưng, đó không phải là lý do để Atticus từ bỏ. Ông đã nói với 2 người con của mình rằng: “Cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng”. Ông muốn Jem và Scout hiểu “Lòng cam đảm thực sự là gì – Thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước lúc bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra”. Với ông lý do chính để nỗ lực bảo vệ Tom Robinsons là lương tâm. Nếu không làm việc đó, ông không thể ngẩng cao đầu trong thị trấn, không thể đại diện cho cơ quan lập pháp và cũng không thể bảo các con đừng làm một điều gì đó. Vụ kiện của Tom, với Attiucs là vụ kiện đánh vào cốt lõi lương tâm của con người. Với Attiucs trước khi ông sống với người khác thì ông phải sống được với lương tâm của chính mình  “Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người”.

Quả thực dù không thể có kết quả như mong đợi, nhưng Atticus lần đầu làm được một việc là khiến cho bồi  thẩm đoàn mất nhiều thời gian đến thế trong việc đưa ra phán quyết của mình. Một số người dân của thị trấn Maycomb như cô Maudie cũng đã thầm nghĩ rằng trong hành trình đấu tranh với thành kiến xã hội “chúng ta đã bước được một bước… chỉ một bước ngắn, nhưng đó là một bước”.

Chúng ta đã bước được một bước… chỉ một bước ngắn, nhưng đó là một bước.

Sau tất cả, Atticus đã cho thấy sức mạnh của niềm tin và lẽ sống chính trực. Ông đã đi ngược với cộng đồng bởi lẽ ông tin: “Bất cứ khi nào một người da trắng lừa dối một người da đen, bất kể anh ta là ai, anh ta giàu cỡ nào, hay anh ta xuất thân từ một gia đình tốt như thế nào, người da trắng đó là rác rưởi”. “Đối với bố, chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của một người da đen”. Có lẽ, điều đó đúng với mọi xã hội, chỉ cần ta hiểu rằng, da trắng là những kẻ có quyền, có tiền, có địa vị, còn da đen là những người yếu thế, thấp cổ bé họng.

“Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó”

Cách nhìn này thể hiện rất rõ qua nhân vật Attiucs. Với ông thật không đúng khi ghét bất kỳ ai. Bởi con người ai cũng có mặt tốt và xấu nhưng ông luôn tin vào khả năng cải thiện của con người và luôn đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Câu chuyện của Jem với bà Dubose là một minh chứng. Dù rằng Jem – một chàng trai điềm tĩnh và không dễ gì nổi giận vậy nhưng đã phá nát vườn hoa của Dubose khi bà hàng ngày bêu rếu cha cậu là “không hơn gì bọn mọi đen và thứ cặn bã mà ông ta phục vụ”. Nhìn nhận sự việc đó, Attiucs lại cho rằng “bà có quan điểm riêng về mọi thứ, rất khác quan điểm của bố”. Ông không chỉ tôn trọng quan điểm đó mà còn luôn đối xử lịch thiệp với Dubose và yêu cầu Jem cùng Scout làm điều đó bởi ông hiểu cho hoàn cảnh của bà – đã già còn bị bệnh. Không chỉ thế ông còn nhìn nhận Dubose là người can đảm bởi với tình trạng phụ thuộc vào thuốc móc phin suốt cuộc đời, việc dám từ bỏ nó để ra đi một cách thanh thản, chết mà không mắc nợ bất cứ đièu gì và bất cứ ai’ chỉ người can đảm mới làm được.

Ngay khi Atticus phải chiến đấu với cả cộng đồng để bảo vệ Tom thì ông vẫn nhận định rằng “dù có cay đắng thế nào đi nữa, họ vẫn là bạn bè của ta và đây vẫn là nhà của ta”. Khi cả thị trấn cho rằng việc biện hộ cho Tom hẳn là sai thì ông vẫn nghĩ “Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến đó”. Và dù cho những ý kiến trái chiều đem đến bất lợi và gây tổn thương cho ông cũng như gia đình, nhưng với cách nhìn của mình, Attiucs dễ dàng thấu hiểu, cảm thông và tôn trọng người khác.

Cũng từ đó mà 2 đứa trẻ nhà Finch đã lớn lên với sự chính trực, lòng vị tha như thế. Các em dần nhận ra mỗi người đều có mặt tốt và mặt xấu: Boo Raley từng là bóng ma ám ảnh trí tưởng tượng lại trở thành người bạn sau đó là ân nhân cứu mạng. Dubose là người can đảm dù rằng bà có quan điểm gay gắt về bố Attiucs, bác Alxandrea đầy thành kiến về danh giá dòng họ nhưng rất quan tâm đến việc giáo dục Scout… Qua từng chuyện lớn nhỏ Atticus luôn cố gắng giáo dục con cái về lương tâm, công bằng, bác ái, chống thành kiến, và không bao giờ thoả hiệp. Để rồi đi đến những trang cuối cùng của tác phẩm, khi Scout thừa nhận rằng: “Bố Attiucs đã đúng, có lần ông đã nói ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”. Tác phẩm “Giết con chim nhại” cũng đã kết thúc nhẹ nhàng với dòng suy nghĩ đó của Scout, để lại trong lòng độc giả những rung cảm đẹp và thôi thúc hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời.

Có lần ông đã nói ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *