Tôi tin khi các trò và thầy cô trường ta cầm cuốn sách này lên tay ai rồi cũng sẽ bị cuốn vào ngay những trang sách đầu tiên. Lư Tô Vỹ viết về chính mình, về những tháng ngày ấu thơ với bao thăng trầm, vật vã, khổ sở, bởi bệnh tật để chiến thắng bản thân. Chặng đường trưởng thành của tác giả có quá nhiều chông gai, trắc trở, thử thách để “tìm thấy chính mình” và “nhìn thấy thiên tài trong chính mình”. Nhưng hơn hết, tác giả đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc về tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý, tình thầy trò thân thiện ấm áp bao dung…những cung bậc tình cảm ấy chắc chắn ai đọc được sẽ không thể ngăn được dòng nước mắt dâng trào xúc động.
Cuốn sách dày hơn ba trăm trang, được chia thành ba phần theo những mốc phát triển đáng ghi nhớ của tác giả.
Phần thứ nhất với dòng tên tiêu đề “SINH MỆNH ĐƯỢC NHẶT LẠI” tác giả đã đưa người đọc về những hồi ức ấu thơ không có bình yên. Lư Tô Vỹ là đứa con cầu tự được sinh ra trong hoạn nạn nhưng được nuôi dưỡng như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm lên 8 tuổi, Vỹ bị một trận sốt huyết Nhật Bản người ta còn gọi là sốt huyết viêm màng não. Vỹ vật vã, ngoi ngóp chống lại bệnh tật giành giật sự sống. May mắn từ cõi chết trở về mặc dù Vỹ chỉ là đứa trẻ bại não- người thực vật nhưng Vỹ vẫn có tinh thần lạc quan vui vẻ nhờ những lời động viên của người thân “được sống thật tốt biết bao”, “là người, dù người thế nào cũng không quan trọng, chỉ không biến thành quỷ là được rồi”. Một đứa trẻ đi học không nhớ mặt chữ, không nhớ nổi các con số, không biết đường đi đến trường và buộc phải theo học lớp “giáo dục đặc biệt”…đã trở thành “nhân vật đặc biệt” trong mắt thầy cô và bạn bè. Những người thân luôn thương yêu và quan tâm, động viên chăm sóc Vỹ. Khi trò khác được 9 điểm cũng có thể bị bố mẹ cho ăn roi “Giao hẹn trước là thiếu một điểm thì ăn mười roi, nào nằm xuống” hoặc quát mắng gây áp lực làm biến đổi tâm lý, tính cách biến trẻ trở lên lầm lì, rụt rè hay chống đối. Nhưng với Vỹ lại được thưởng ăn đùi gà chiên vì đã rất nỗ lực để đạt được điểm 1. “Vỹ ơi! Con có điểm thật này, điểm 1 cơ đấy”, “giỏi lắm, giỏi lắm”. Đọc phần này tin rằng ai đã làm cha làm mẹ sẽ nhận ra mình cần làm gì, cần thay đổi như thế nào để trao yêu thương cho con mình trọn vẹn.
“Vỹ ơi! Con có điểm thật này, điểm 1 cơ đấy” “Giỏi lắm, giỏi lắm”
Lư Tô Vỹ luôn cho mình là CHÚ CHIM LẠC LOÀI BAY CHẬM qua những hồi ức của phần 2 cuốn sách. Vẫn lối viết văn bằng lời kể chuyện sinh động, tác giả đã đưa người đọc đến với nhiều trạng thái cung bậc cảm xúc trước những tình huống diễn ra cuộc đời.
Từ tiểu học cho đến trung học, Vỹ luôn có những thành tích học tập kém. Đó là những chuỗi ngày đau khổ và thất bại dẫu cố gắng nỗ lực không ngừng. Vỹ luôn tự ti và cảm thấy cô đơn như cánh chim lẻ loi phiêu bạt. Vỹ kìm nén khát khao được bằng bè bằng bạn, ước muốn được thầy cô biểu dương, khen thưởng và hơn hết là muốn tự lập để không dựa dẫm vào người thân….Rồi một ngày Vỹ “nhìn thấy niềm hy vọng mới”, những khát khao của Vỹ có thể trở thành hiện thực. Tất cả những điều làm thay đổi Vỹ vẫn từ tình yêu thương vô bờ bến với những hi sinh cao cả của người thân trong gia đình, là sự ân cần giảng dạy của thầy cô và những người bạn tốt. Tất cả đã đồng hành cùng Vỹ từng bước, từng ngày làm người đọc vô cùng cảm động. Hai phần đầu của cuốn sách đã lấy đi khá nhiều nước mắt của người đọc.
Tất cả những điều làm thay đổi Vỹ vẫn từ tình yêu thương vô bờ bến với những hi sinh cao cả của người thân trong gia đình, là sự ân cần giảng dạy của thầy cô và những người bạn tốt
Phần ba của cuốn sách, nội dung: “NHÌN THẤY THIÊN TÀI TRONG CHÍNH MÌNH” là những câu chuyện Vỹ kể lại, đã tác động lên lý trí của người đọc. Với sự dìu dắt đầy tình yêu thương của các thầy cô, Lư Tô Vỹ đã đánh thức được trí tuệ của mình. Cả một quá trình dài nỗ lực phấn đấu học tập để “nhận ra chính mình”, “biết được chính mình” và “hiểu rõ chính mình”. Vỹ đã rút ra “ Không có gì là không học được chỉ là do chúng ta chưa tìm ra phương pháp học tập thích hợp nhất với bản thân mà thôi”. Từ một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ Vỹ đã tiến tới bục của “người thông minh”. Dẫu 7 năm với 5 lần thi đại học mới đỗ thì điều này chúng ta đều thấy sự kỳ diệu của Lư Tô Vỹ – một đứa trẻ bại não. Thành công của Vỹ được đánh đổi bằng mồ hôi, bằng những cơn đau đầu vật vã, những giọt nước mắt đắng cay tủi hờn…
“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là một món quà của cuộc sống vô cùng ý nghĩa với chúng ta. Với các trò khi đọc cuốn sách ngày sẽ có thêm nhiều động lực, nhiều quyết tâm cố gắng học tập thực hiện được nhiều ước mơ các em đang ấp ủ. Chắc chắn rằng các em cũng sẽ học được nhiều cách ứng xử với bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh, các em sẽ ngoan hơn, lễ phép hơn, có trách nhiệm với những lời nói và hành động của bản thân hơn. Cuố sách cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức các bậc phụ huynh, các thầy cô còn đang luẩn quẩn xoay vòng trong những suy nghĩ, thái độ áp đặt, kỳ vọng thái quá về con em mình, nhất là những trẻ “đặc biệt”. Thầy cô sẽ làm chủ được những cơn nóng giận, yêu thương học trò của mình nhiều hơn, hy sinh cho các con nhiều hơn, nói những lời động viên, khích lệ nhiều hơn để một ngày có thể phát hiện ra kho báu trí tuệ trong các thế hệ học trò đã được chính mình giáo dưỡng, khơi dậy thiên tài từ ý thức học tập, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ của con em mình và đưa con em mình chạm đến vầng hào quang lung linh kỳ diệu của cuộc sống.
Hãy nói những lời động viên, khích lệ nhiều hơn để một ngày có thể phát hiện ra kho báu trí tuệ trong các thế hệ học trò đã được chính mình giáo dưỡng, khơi dậy thiên tài từ ý thức học tập, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ của con em mình và đưa con em mình chạm đến vầng hào quang lung linh kỳ diệu của cuộc sống.
Bùi Minh Huế